Làng Cựu – ngôi làng cổ hơn 500 năm tuổi, cách trung tâm TP Hà Nội 40km, nổi tiếng với nét đẹp cổ kính, trầm mặc cùng những căn biệt thự có kiến trúc độc đáo pha trộn giữa Việt – Pháp – Hoa và nghề may “đệ nhất Hà Thành” thời bấy giờ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nơi đây vẫn giữ được dấu ấn truyền thống đặc trưng, vừa là một kho báu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật quý giá, vừa đem lại nhiều tiềm năng về du lịch. 

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Mạnh Huy, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên bày tỏ, du khách khi đến Phú Xuyên tham quan không thể không nhắc đến sự yên bình, thanh tĩnh của thôn Cựu, xã Vân Từ, nằm cách trung tâm huyện Phú Xuyên khoảng 6km, là một ngôi làng cổ kính nằm bên dòng sông Nhuệ hiền hòa. Khi du khách đặt chân đến làng Cựu, cảm giác đầu tiên là khung cảnh, không gian tĩnh mịch tạo nên nét đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ; nơi đây còn lưu dấu 50 di sản kiến trúc đa dạng nằm xen lẫn những ngôi nhà hiện đại được người dân cải tạo từ khoảng năm 2010.

leftcenterrightdel
Trong khuôn khổ tọa đàm đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa UBND xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), nhóm nghiên cứu Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Công ty Platform. 

Tọa đàm là cuộc thảo luận đa chiều giữa lãnh đạo và người dân địa phương, các nhà khoa học, doanh nghiệp đầu tư. Tại đây, các chuyên gia về các lĩnh vực quy hoạch phát triển và bảo tồn di sản đã mang tới một góc nhìn sâu sắc trên góc độ toàn cầu về giá trị và vai trò của làng Cựu trong dòng chảy văn hóa, mô hình phát triển làng nghề – du lịch và làng di sản – du lịch tại vùng Đồng bằng sông Hồng.

leftcenterrightdel
 Khung cảnh yên bình làng Cựu. Ảnh Ban tổ chức

Trao đổi về mô hình phát triển làng nghề - du lịch và làng di sản – du lịch, PGS, TS Phạm Hùng Cường, Trưởng Bộ môn Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, các nhóm tiêu chí đánh giá giá trị tiềm năng của làng truyền thống để phát triển du lịch là: Giá trị di sản kiến trúc xây dựng; giá trị không gian, cảnh quan; giá trị văn hóa nghề thủ công; giá trị văn hóa nghề nông vùng Đồng bằng sông Hồng; giá trị môi trường sinh thái; giá trị văn hóa phi vật thể; giá trị tích hợp nổi bật; yếu tố khác.

Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ về nguyên tắc để phát triển mô hình làng nghề - du lịch và làng di sản – du lịch: Tạo bộ sản phẩm du lịch đa dạng, sáng tạo; dịch vụ du lịch đồng bộ, tổ chức tốt không gian du lịch, gắn kết với quy hoạch nông thôn mới; liên kết du lịch vùng, quốc gia, quốc tế, quảng bá du lịch ứng dụng tốt công nghệ thông tin; quản lý có sự tham gia của chính quyền – cộng đồng – doanh nghiệp.

Tại tọa đàm, TS Lê Quỳnh Chi, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch đô thị, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã chia sẻ về giá trị và tiềm năng phát triển làng Cựu theo định hướng sáng tạo. Tiến sĩ bày tỏ: “Di sản không sống mãi trong hình hài của ký ức, di sản là để sống cùng, tiếp nối và biến đổi theo nhịp sống và nhu cầu của cộng đồng”.

Bên cạnh đó, lãnh đạo và người dân địa phương trao đổi xoay quanh những định hướng phát triển làng Cựu trong bối cảnh phát triển chung của huyện, cũng như mong muốn của người dân. Doanh nghiệp đem đến góc nhìn từ lĩnh vực kinh tế đầu tư. Từ đó, tọa đàm thảo luận về tiềm năng phát triển của làng Cựu, phương thức lưu giữ và phát huy hòn ngọc di sản này trong cuộc sống đương đại.

Tin, ảnh: DIỆU HUYỀN 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.