Dự gặp mặt có đông đảo các cựu chiến binh đã từng bị địch bắt tù đày tại chiến trường Lào.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu cùng ôn lại những năm tháng hoạt động tình nguyện tại chiến trường Lào. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc và bè lũ tay sai, tuân theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp bạn là tự giúp mình”, nhiều thế hệ các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã tình nguyện sang làm nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào. Trong đó, nhiều đồng chí đã không may sa vào tay địch. Đó là các chiến sĩ thuộc các Sư đoàn 316, Sư đoàn 968, Đoàn 559 hay chuyên gia quân sự, dân chính giúp bạn Lào xây dựng quân đội và chính quyền… chiến đấu tại các chiến trường trên khắp đất nước Lào. Khi bị địch bắt, các đồng chí đã bị giam cầm ở nhiều nhà tù trên đất nước Lào như Savanakhet, Pase…, sau đó bị đưa về giam giữ tại Xam Khê, Viêng Chăn. Từ đồng chí đầu tiên bị bắt năm 1964, cho đến đồng chí cuối cùng năm 1973, đã có 176 đồng chí bị địch bắt tù đày.
    |
 |
Các đại biểu tham dự gặp mặt kỷ niệm 48 năm chiến thắng trở về.
|
Ngày 19-9-1974, tại sân bay Pôn Sa Vẳn, tỉnh Viêng Chăn, 173 chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam và 9 chiến sĩ Pathet Lào đã được giải thoát khỏi nhà tù đế quốc. Sau khi chiến thắng trở về, các chiến sĩ bị địch bắt tù đày đã được về điều dưỡng, học tập tại Đoàn 874, Quân khu 4. Sau đó, nhiều đồng chí tiếp tục phục vụ trong quân đội, một số đồng chí phục viên, trở về xây dựng quê hương.
Năm 2003, Ban liên lạc Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Xam Khê-Viêng Chăn đã được thành lập. Trải qua quá trình hoạt động, Ban liên lạc đã tiến hành tổ chức nhiều cuộc gặp mặt đồng đội trên cả nước, nhiều hoạt động nghĩa tình, tri ân, thăm hỏi đồng đội.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Kiều Ngọc Khuê, Trưởng ban liên lạc nhấn mạnh: “Mặc dù bị kẻ địch tra tấn dã man và chịu chế độ hà khắc trong nhà tù, bị đói rét, bệnh tật hành hạ… nhưng các chiến sĩ vẫn một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, giữ vững ý chí chiến đấu. Hôm nay, chúng ta vẫn luôn nhớ đến nhau, chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống, thăm hỏi, giúp đỡ nhau khi bệnh tật, vết thương tái phát”.
Phương hướng hoạt động trong thời gian tới, Ban liên lạc tích cực đẩy mạnh các hoạt động thăm hỏi, tri ân, kết nối đồng đội trong cả nước.
Tin, ảnh: THU THỦY