Đồng chí LÊ VĂN LỢI, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Đông Hải, phường Duy Hải (thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam):

Giải quyết bài toán “ly nông không ly hương”

Hiện nay, ở nhiều địa phương, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên. Nhiều địa phương gần như “cạn” nguồn vì lực lượng thanh niên có trình độ học vấn cao hầu hết đều sinh sống và làm việc ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển. Số đông thanh niên trong độ tuổi lao động thì đi làm ăn xa ở các thành phố lớn và những nơi có nhiều khu công nghiệp. Những người còn lại ở địa phương đa phần đều đã lớn tuổi, hoặc không đủ tiêu chuẩn để bồi dưỡng, kết nạp Đảng.

Trên thực tế, tại các địa phương luôn có những quần chúng ưu tú, là hạt nhân nòng cốt trong các phong trào, được địa phương đưa vào nguồn phát triển đảng. Tuy nhiên, vì phải lo cho kinh tế gia đình và nhiều nguyên nhân khác nên họ cũng dịch chuyển công việc, đi làm ăn xa và không còn thường xuyên tham gia các hoạt động của địa phương nữa. Đây là điều rất đáng tiếc vì địa phương chưa thể giữ chân được quần chúng ưu tú để bồi dưỡng phát triển đảng.

Trong nền kinh tế thị trường và công nghiệp hóa phát triển năng động như hiện nay, dịch chuyển lao động là một xu hướng tất yếu ở tất cả các địa phương, vùng miền. Vấn đề khó, vướng ở nhiều nơi là làm sao để giải quyết việc làm tại chỗ cho lực lượng lao động trẻ. Chỉ khi giải quyết được bài toán “ly nông không ly hương” thì mới thu hút, giữ chân được lao động trẻ có trình độ, có chuyên môn ở lại làm việc và làm giàu trên chính quê hương. Qua đó giúp các địa phương vừa giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa không lo về nguồn phát triển đảng.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ 

Đồng chí DƯƠNG MINH CHÂU, Bí thư Chi bộ ấp La Bang Chợ, xã Đôn Châu (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh):

Quan tâm tạo nguồn từ bộ đội xuất ngũ

Hằng năm, ở các địa phương trên cả nước có hàng chục nghìn thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Đây chính là nguồn chất lượng cao để cấp ủy các cấp ở cơ sở có thể bồi dưỡng kết nạp Đảng; đồng thời, bộ đội xuất ngũ cũng là lực lượng “tinh nhuệ”, là sự lựa chọn tin cậy để các địa phương xây dựng, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở. 

Có thể thấy rõ, các thanh niên khi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự tức là đã qua sàng lọc, tuyển chọn kỹ càng ngay từ đầu về phẩm chất chính trị, trình độ học vấn và sức khỏe. Hơn nữa, thời gian tại ngũ, họ được Quân đội giáo dục, rèn luyện trong môi trường chính quy, kỷ luật nên tác phong rất nhanh nhẹn, không quản ngại khó khăn, gian khổ. Nhiều người trong số họ sau khi rời quân ngũ trở về trở thành nòng cốt trong các phong trào của địa phương. Mang trong mình phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ nên khi đứng trong hàng ngũ của Đảng, họ không ngừng phấn đấu, cống hiến và tiếp tục có nhiều đóng góp cho quê hương. Bên cạnh đó, không ít thanh niên trưởng thành từ các phong trào của địa phương, được bồi dưỡng, kết nạp Đảng từ khi còn rất trẻ. Sau thời gian trong môi trường quân ngũ, họ thực sự trưởng thành về suy nghĩ, nhận thức và chín chắn trong hành động. 

Từ thực tế trên, tôi cho rằng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp ở cơ sở cần quan tâm, chú trọng tạo nguồn phát triển đảng với đối tượng này. Trước hết là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, có chính sách cụ thể nhằm thu hút, giữ chân lực lượng bộ đội xuất ngũ tích cực tham gia vào các hoạt động phong trào của địa phương, từ đó xây dựng và tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cơ sở.