Đảng viên NGUYỄN THANH ĐỊNH, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội:

Khoán sản phẩm để có căn cứ tinh giản

Vừa qua, tôi đã đọc số báo Chuyên đề "Xây dựng Đảng vững mạnh từ cơ sở" của Báo Quân đội nhân dân và rất ấn tượng với chủ đề về cách làm “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” của một số đảng bộ địa phương trong quá trình triển khai nghị quyết của Đảng. Tôi cho rằng, giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu để định lượng rõ hơn các tiêu chí, tiêu chuẩn khi đánh giá cán bộ, góp phần đưa mặt công tác này đi vào thực chất, hiệu quả. 

Ở nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị hiện nay, công tác đánh giá cán bộ vẫn được cho là việc khó và thực hiện chưa tốt, bởi lẽ các tiêu chí đánh giá cán bộ còn khá chung chung, nặng định tính, như: Lập trường tư tưởng; năng lực, đạo đức, lối sống; ý thức kỷ luật... Và một khi tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá cán bộ đề ra đã không rõ ràng thì làm sao tránh được tình trạng đánh giá cán bộ theo lối chung chung, thiếu thực chất.

Tôi nghĩ, giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm cho từng cán bộ, đảng viên sẽ giải quyết được hai vấn đề. Thứ nhất, với những phần việc khó thì ngay từ khi chọn cán bộ tốt, có năng lực để giao phó, tức là ngay từ đầu đã có sự sàng lọc về chất lượng cán bộ trong đội ngũ. Thứ hai, khi giao nhiệm vụ mà rõ người, rõ việc và rõ đầu ra của sản phẩm sẽ rất thuận cho khâu đánh giá cán bộ về sau.

Tôi đề xuất, việc giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hằng tháng, hằng quý, nhằm nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, làm căn cứ cho những quyết định quan trọng trong quá trình tinh giản biên chế.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Vietnamnet.vn

---------------------------------------------------------------

Cán bộ hưu trí NGUYỄN HỮU ĐỘ, 80 tuổi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội:

Đa dạng hóa kênh tiếp nhận thông tin đánh giá cán bộ

Lâu nay, việc đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên vẫn chủ yếu căn cứ vào đánh giá của cấp ủy, tổ chức đảng nơi cán bộ, đảng viên đang công tác. Trong khi đó, để đánh giá cán bộ thực chất, toàn diện, đa chiều thì còn rất nhiều kênh thông tin khác cần được khai thác, phát huy triệt để, hiệu quả.

Một kênh thông tin vô cùng quan trọng là từ phía cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng nơi cán bộ, đảng viên cư trú. Quy định số 213-QĐ/TW ngày 2-1-2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú nêu rõ: “Đảng ủy xã, phường, thị trấn xác nhận phiếu nhận xét của chi ủy, chi bộ nơi cư trú đối với đảng viên đang công tác và gửi cho đảng ủy cơ sở nơi đảng viên công tác.

Biểu dương, khen thưởng hoặc đề nghị cấp ủy cơ sở nơi đảng viên công tác biểu dương, khen thưởng những đảng viên có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên nơi cư trú. Đề nghị cấp ủy cơ sở nơi đảng viên công tác xem xét xử lý theo quy định đối với những đảng viên chưa thực hiện tốt”. Đây là căn cứ để các cơ quan, đơn vị tổng hợp, phục vụ công tác đánh giá, quy hoạch, sử dụng hoặc tinh giản cán bộ.

Bên cạnh đó, để đánh giá toàn diện cán bộ còn có các kênh giám sát từ quần chúng nhân dân. Có nghĩa là phải coi trọng những ý kiến góp ý của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ và từng cán bộ; kết hợp với kiểm tra xác minh, làm rõ thông tin quần chúng phản ánh, kiến nghị về phần việc này...

leftcenterrightdel
 

-------------------------------------------------------------------

Cán bộ hưu trí NGUYỄN THỊ PHƯƠNG, phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội:

Có cộng, có trừ trong đánh giá

Rất dễ nhận thấy, công tác đánh giá cán bộ thường được tiến hành vào dịp tổng kết năm, tổng kết nhiệm vụ, tổng kết thi đua... Thế nhưng, điều đáng bàn là các tiêu chí đánh giá chưa phải là sự tổng hợp một cách hệ thống, khách quan kết quả của quá trình công tác, cũng chưa “có cộng, có trừ” theo định mức để làm căn cứ đánh giá cán bộ.

Vì nặng về định tính trong tiêu chí đánh giá nên khi có cán bộ xung phong làm việc khó, hoàn thành tốt những nhiệm vụ đột xuất thì chỉ dừng lại ở biểu dương, khen thưởng rồi thôi; hoặc cán bộ làm chưa tốt, vi phạm khuyết điểm chưa đến mức xử lý kỷ luật thì xoa tay xin rút kinh nghiệm là xong... Và rồi, đến dịp cuối năm, tại hội nghị đánh giá cán bộ, những câu chuyện cụ thể ấy gần như bị quên lãng mà chưa trở thành căn cứ để “cộng, trừ” thành quả và lỗi phạm của cán bộ.

Tôi cho rằng, ngoài những tiêu chí chung để đánh giá cán bộ theo quy định của Trung ương thì mỗi cấp, ngành, địa phương cần cụ thể hóa, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ phù hợp với đặc thù hoạt động và đối tượng cán bộ. Bộ tiêu chí đánh giá này cần quy định cụ thể những điểm cộng, điểm trừ ở một số tiêu chí nhất định như: Mức độ hoàn thành nhiệm vụ, số lần hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn; số việc khó, việc đột xuất đã giải quyết trong năm; số lần được biểu dương, khen thưởng; số lần và mức độ sai phạm, khuyết điểm; số lần bị phê bình, nhắc nhở...

Quy định về điểm cộng, điểm trừ trong các tiêu chí đánh giá càng cụ thể thì càng dễ triển khai thực hiện theo ba-rem điểm. Tất cả điểm cộng, điểm trừ sẽ được sử dụng làm kết quả để tính điểm thi đua trong năm, làm căn cứ đánh giá cán bộ và tinh giản đội ngũ.