Trong không khí phấn khởi những ngày đầu năm mới 2024, đồng bào Giẻ Triêng ở thôn Nông Kon, xã Đắk Dục (Ngọc Hồi, Kon Tum) đón thêm một niềm vui lớn: Khánh thành nhà rông văn hóa của thôn. Dưới mái nhà rông cao vút là nơi người Giẻ Triêng tổ chức sinh hoạt cộng đồng, bà con kể cho nhau nghe những câu chuyện buồn - vui của mỗi người, mỗi nhà. Đây cũng là nơi chi bộ thôn tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ. Những đảng viên trong chi bộ thôn cùng bàn thảo và quyết nghị nhiều vấn đề, lãnh đạo đồng bào một lòng theo Đảng. Anh A Hôm, Trưởng thôn Nông Kon bộc bạch: “Chủ trương xây dựng nhà rông rất hợp lòng bà con nên cả thôn ai cũng coi đây là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình”.

Ngày khánh thành nhà rông, các đồng chí cán bộ, công an xã và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dục Nông (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum) đến từ rất sớm. Trong tiết trời se lạnh, dưới nếp nhà còn thơm mùi gỗ, tất cả quây quần bên nhau khiến lòng người càng thêm ấm áp. Câu chuyện về chủ trương dựng nhà rông mới như càng được bện chặt hơn khi “ý Đảng thuận lòng dân” và tình quân dân thắm thiết.

Nắm thật chặt bàn tay chai sần của già làng A Kiểu đưa lên cao, Thượng tá Nguyễn Văn Thường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Dục Nông giọng phấn chấn: "Công trình nhà rông này được làm hoàn toàn từ sự chung tay góp sức của Bộ đội Biên phòng, công an xã, lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ xã và người dân trong thôn. Từ khi khởi công đến lúc hoàn thiện, công trình đã huy động được gần 2.000 ngày công lao động... Đây quả là công trình của ý Đảng, lòng dân!".

leftcenterrightdel

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum trò chuyện với người dân xã Đắk Dục (Ngọc Hồi, Kon Tum) bên nhà rông mới được khánh thành. Ảnh: ĐÀO HIỀN 

Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới, nơi có hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn đồng bào sinh sống ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa; cơ sở hạ tầng, kinh tế và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Nhằm phát huy vai trò của các đơn vị LLVT trong công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là tại những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Quy chế số 07-QC/TU ngày 28-2-2020 về phối hợp thực hiện công tác dân vận của các đơn vị LLVT trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum tiếp tục phát động Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” và vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp.

Triển khai các chủ trương trên, bám sát thực tiễn địa phương, các đơn vị LLVT trên địa bàn tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân và cùng thống nhất tiến hành khảo sát, xây dựng những công trình thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của đồng bào. Công trình nhà rông văn hóa thôn Nông Kon là một trong số rất nhiều ví dụ điển hình về việc lòng dân đã thuận thì mọi việc tất yếu sẽ đi đến thành công...

Các công trình được hoàn thành không chỉ mang lại ý nghĩa to lớn với người dân địa phương mà còn thắt chặt tình đoàn kết quân dân. Bà con địa phương vui vẻ xây dựng nếp sống mới, dần xóa bỏ các hủ tục. Đồng chí Y Hồng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đắk Dục cho biết: "Trước đây, mỗi lần tổ chức lễ mừng nhà rông mới, dân làng sẽ thực hiện nghi thức đâm trâu. Tuy nhiên, bây giờ nghi thức này ở tất cả thôn trong xã chỉ được làm tượng trưng để thực hành tiết kiệm, bảo vệ vật nuôi, phù hợp với nếp sống mới và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp theo sự tuyên truyền, vận động của cán bộ xã và cán bộ LLVT...".

Theo Đại tá Lê Minh Chính, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, để bà con đồng lòng thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì những chủ trương, chính sách cần hướng về cơ sở, sát với thực tiễn và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Những công trình mà các đơn vị LLVT cùng nhau thực hiện thời gian qua và sự vui mừng đón nhận của nhân dân địa phương chính là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền tỉnh Kon Tum.

Cùng với đó, để nhân dân một lòng đồng thuận, mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ, chiến sĩ LLVT nói riêng phải chịu thương chịu khó, phải “bám làng”, “sát hộ”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” và hơn hết là phải nêu cao tinh thần nêu gương, nói đi đôi với làm. Bên cạnh đó cần thuyết phục sự tham gia của đông đảo người có uy tín tại địa phương. Nhờ có sự tham gia của các già làng, những người có uy tín mà các chính sách khi triển khai ở cơ sở thuận lợi hơn rất nhiều.

Bài và ảnh: ĐÀO HIỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.