* Thượng úy Đỗ Ngọc Đức, Bí thư Đoàn Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn-cứu hộ, Công an TP Hồ Chí Minh:
Tham gia mạng xã hội phải đúng với pháp luật và văn hóa của Việt Nam
 |
Thượng úy Đỗ Ngọc Đức, Bí thư Đoàn Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn-cứu hộ, Công an TP Hồ Chí Minh |
Để thực hiện các mưu đồ chính trị đen tối, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị luôn tìm những sơ hở, thiếu sót trong việc thực thi chính sách để xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang. Một trong những đối tượng mà các thế lực phản động tập hướng tới là đội ngũ thanh niên, sinh viên và học sinh. Bởi đây là lực lượng trẻ, thường thích tiếp cận với cái mới, thiếu vốn sống, dễ bị kích động. Tôi nhận thấy, một trong những phương thức mà các thế lực thù địch thường áp dụng với thanh niên là lợi dụng mạng xã hội hoặc thiết lập các “trang tin”, “diễn đàn”, “câu lạc bộ trẻ”, tổ chức bàn thảo những vấn đề “hot” trong xã hội, đưa ra những quan điểm, ý kiến tưởng chừng rất “khách quan”, nhưng thực ra là nhồi nhét vào đầu người người đọc, người xem tư tưởng chống đối, chạy theo lối sống thực dụng, lai căng trái với thuần phong mĩ tục, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Chính vì vậy thời gian qua, Đoàn Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an TP Hồ Chí Minh) chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư tưởng đúng đắn cho đoàn viên, thanh niên, trang bị cho họ những kiến thức cần thiết để tự bảo vệ chính mình trước mọi luồng thông tin xấu độc. Tham gia mạng xã hội là một nhu cầu của giới trẻ trong thời đại công nghệ số hiện nay, nhưng phải biết sử dụng thế nào cho đúng, vì những mục đích tốt đẹp, tránh vô tình tiếp tay cho kẻ xấu thực hiện âm mưu đen tối. Thanh niên vốn là lớp người tiên tiến, hiện đại phải biết sử dụng mạng xã hội sao cho đúng với pháp luật và văn hóa của người Việt Nam.
“Nếu chúng ta làm 100 việc tốt, một ngàn việc tốt đó là trách nhiệm chúng ta phải làm, nhưng nếu chỉ cần xảy ra một việc rất nhỏ sẽ là cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng để bôi nhọ, nói xấu… vì vậy bản thân mỗi đoàn viên thanh niên phải không ngừng học hỏi, nâng cao nhận thức, tự tu dưỡng rèn luyện giữ vững hình ảnh đẹp của bản thân mình, cũng như hình ảnh của lực lượng đoàn viên thanh niên trên địa bàn thành phố”, Anh Đức chia sẻ.
* Anh Lương Tuấn Thành, Bí thư Đoàn phường 4, Quận đoàn 10, TP Hồ Chí Minh:
Cần thu hút đoàn viên, thanh niên vào các hoạt động tích cực
 |
Anh Lương Tuấn Thành, Bí thư Đoàn phường 4, Quận đoàn 10, TP Hồ Chí Minh |
Với đặc thù là đơn vị địa bàn dân cư, đặc điểm của thanh niên thường trình độ học vấn không đòng đều, khả năng nhận thức chính trị còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Ban Chấp hành Đoàn Phường 4 bám sát các nội dung thông tin mà đoàn viên, thanh theo dõi trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… để tìm hiểu nội dung thông tin cũng như cách hiểu, cách chia sẻ của các bạn như thế nào. Từ đó, định hướng cho đoàn viên, thanh niên biết nhận định và hiểu được thông tin đó là đúng hay sai, bản thân mình nên làm gì để phóng, tránh…
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đoàn phường thường xuyên tổ chức các hoạt động phù hợp với tâm lý của tuổi trẻ, tuyên truyền những hành động và việc làm tốt đẹp trong xã hội, tạo sân chơi bổ ích cho đoàn viên thanh niên; sàng lọc thông tin, trang bị kiến thức, phương pháp, kỹ năng sống, giúp họ có nhận thức đúng đắn, biết cách phòng ngừa và bày tỏ thái độ, quan điểm trước các luận điệu xuyên tạc.
* Chị Hoàng Mẫn, 28 tuổi, Tiểu khu 2, thị trấn Yên Châu, Sơn La:
Cảnh giác trước những “chương trình học bổng” trên mạng xã hội
 |
Chị Hoàng Mẫn, 28 tuổi, Tiểu khu 2, thị trấn Yên Châu, Sơn La. |
Nghiên cứu những vấn đề được nêu trong vệt bài, nhất là những thông tin về việc đào tạo “chiến binh mạng”, tôi thấy rằng, hoạt động chống phá của các thế lực bên ngoài không giới hạn ở thể chế chính trị quốc gia, cho dù đó là nước theo con đường tư bản hay xã hội chủ nghĩa và thanh niên thường là đối tượng được “quan tâm” nhiều nhất. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Ngay trên tài khoản cá nhân của một số người bạn tôi cũng từng xuất hiện một vài trang web, một số nhóm hay “tổ chức” kêu gọi, tuyển chọn người đưa đi đào tạo ở nước ngoài với những lời mời rất hấp dẫn, nhưng tìm hiểu mới biết đứng đằng sau những lời kêu gọi đó đều là những cá nhân có ý đồ trục lợi. Nếu không đề cao cảnh giác sẽ dễ dàng bị “sập bẫy”, bởi những việc được đưa ra nước ngoài đào tạo như vậy sẽ không bao giờ là “miễn phí” cả. Ban đầu “mồi nhử” là kinh tế, là những lời hứa hẹn tốt đẹp…, nhưng sau đó sẽ là sự ràng buộc, phải làm những việc trái với lương tâm, thậm chí là vi phạm pháp luật. Âm mưu và hành động đen tối của nhiều đối tượng như vậy đã bị phanh phui và chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Để chống lại những thông tin xấu độc của các thế lực thù địch trước hết bản thân mỗi chúng ta phải hiểu và nhận diện được các luồng thông tin xấu độc. Từ đó bản thân có cách để phòng, tránh, không bị mắc bẫy kẻ thù. Bản thân mỗi thanh niên cũng cần tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức để sẵn sàng tiếp nhận thông tin hữu ích, đồng thời "miễn dịch" với những thông tin xấu, độc, làm nhiễu loạn môi trường xã hội. Mỗi thanh niên khi tham gia mạng xã hội phải có kiến thức an ninh mạng cơ bản, biết nhận diện những trang thông tin, những “diễn đàn” phản động; biết sàng lọc tiếp nhận thông tin, có ý thức ngăn chặn, phản bác cái xấu. Mỗi người biết tự bảo vệ mình cũng chính là góp phần giữ gìn môi trường không gian mạng lành mạnh, có ích cho xã hội.
* Năm 2018, tại Bình Thuận, một số phần tử phản động đã lôi kéo, kích động người dân địa phương tham gia biểu tình trái phép, gây rối, đập phá trụ sở cơ quan chính quyền, chống đối người thi hành công vụ. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, những đối tượng cầm đầu, quá khích đã bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nhiều người dân tham gia hoạt động biểu tình đã nhận thức ra việc làm sai trái của mình.
Bà Trần Thị Ngọc, 52 tuổi, Khu phố 5, phường Phú Tài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận:
 |
Bà Trần Thị Ngọc, Khu phố 5, phường Phú Tài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận |
Lúc đó, mấy người đó tôi không có biết, họ chở từ đâu đến một giỏ vỏ bia màu đỏ, rồi xách xăng đến bảo tôi đổ vào chai. Tôi nói với họ là mình lớn tuổi rồi không có làm như vậy được. Họ nói: “Bà muốn chết không?”. Tôi sợ quá mới đổ xăng vào một vài chai cho có lệ thôi. Tôi nghĩ mình đã sai rồi, biết nhận và tự thú, do mấy người đó xúi tôi thôi. Bây giờ tôi sợ luôn rồi, từ nay tôi sẽ không bao giờ tham gia vào những việc như vậy nữa, nghe lời Nhà nước, lo làm ăn thôi.
* Anh Nguyễn Phương Đông, 26 tuổi, Khu phố 4, phường Đức Long, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận:
 |
Anh Nguyễn Phương Đông, Khu phố 4, phường Đức Long, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. |
Bữa a dua theo, thấy người ta ném cũng ném theo. Tuổi trẻ còn nông nổi quá. Sau đó mới nhận thức được công việc đó là sai lầm và vi phạm pháp luật. Tôi cảm thấy ăn năn, hối lỗi về những hành động mình đã làm. Nếu có những vụ việc như vậy xảy ra thì tôi sẽ khuyên gia đình, bạn bè không nên tham gia. Nếu có người xúi giục nữa thì tôi sẽ đi trình báo công an. Sau sự việc xảy ra, tôi nhận thức ra là không được làm trái pháp luật, phải ráng lao động phụ giúp gia đình.
* Ông Chung Kim Thành, 47 tuổi, Khu phố 7, phường Đức Long, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận:
 |
Ông Chung Kim Thành, Khu phố 7, phường Đức Long, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận |
Từ nay, nếu phát hiện chuyện gì sai trái tôi sẽ báo chính quyền nơi gần nhất hoặc theo số điện thoại đường dây nóng. Nếu có ai đó tới lôi kéo tụ tập hay gây rối, tôi sẽ không bao giờ nghe theo. Tôi cũng nói mấy con như vậy. Tôi đã sai lầm một lần rồi, giờ kiếm việc làm nuôi gia đình, cố gắng trở thành người tốt cho xã hội.
VĂN DUYÊN (thực hiện)