* Đồng chí TRƯƠNG MINH TƯỚC NGUYÊN, Phó bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh:

Nâng cao “sức đề kháng” cho thanh niên trước các luồng thông tin xấu độc

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có hơn 10 triệu dân, trong đó có 14 triệu tài khoản Facebook và 8,5 triệu tài khoản Zalo. Trung bình, mỗi người có ít nhất hai tài khoản mạng xã hội (MXH). Thành phố cũng có hơn 751.000 đoàn viên.

Phát huy vai trò, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn đã tích cực đẩy mạnh Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, cũng như triển khai các giải pháp thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU ngày 19-6-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, MXH tại TP Hồ Chí Minh. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy công tác giáo dục, định hướng cho thanh niên nhận diện, nâng cao "sức đề kháng” trước những thông tin, chiêu bài lôi kéo nhằm thực hiện ý đồ xấu trên MXH, phải gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả, an toàn tuyệt đối. Công tác này phải được triển khai đồng bộ các biện pháp thu thập thông tin, nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đoàn viên, thanh niên, chủ động định hướng tư tưởng và xây dựng, tổ chức lực lượng đấu tranh phản bác, nắm bắt và xử lý thông tin dư luận xã hội.

Để tăng cường “sức đề kháng” cho thanh niên trước các luồng thông tin xấu độc, Thành đoàn đã và đang phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống tổ chức đoàn các cấp, các đơn vị sự nghiệp (nhà văn hóa thanh niên, nhà văn hóa sinh viên...); cũng như vai trò của các câu lạc bộ lý luận trẻ trong định hướng tư tưởng của thanh niên. Một trong những giải pháp cụ thể nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả việc sử dụng internet, MXH của tổ chức đoàn, hội các cấp và đoàn viên, thanh niên. Hiện Thành đoàn có hơn 15 trang cộng đồng trên MXH Facebook cùng hàng trăm trang điện tử, trang cộng đồng của cơ sở trên MXH.

Thời gian tới, Thành đoàn tiếp tục nâng cao hiệu quả các trang cộng đồng, đặc biệt phát huy trang cộng đồng “Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh học tập và làm theo lời Bác”, “Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh với pháp luật” với những sản phẩm, những tuyến bài tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, MXH.

* GS, TS PHẠM QUANG MINH, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội):

Lòng yêu nước phải thể hiện đúng cách, không để các thế lực xấu lợi dụng

Từ việc tuyển chọn, đào tạo “những chiến binh mạng” của các tổ chức dân sự do phương Tây hậu thuẫn tại những nơi xảy ra “Mùa xuân Arab” như đã được đề cập trong kỳ 5 của loạt bài này, tôi thấy thật hoang đường khi nghĩ rằng tuyển chọn một vài cá nhân, đưa ra nước ngoài huấn luyện, sau đó đưa về nước thực hiện âm mưu lật đổ chế độ mà hàng triệu người đã cống hiến, hy sinh để gây dựng nên. Đó không chỉ là sai lầm trong nhận thức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật... Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, phải là từ trong nhân dân. Thực tế cuộc sống của một quốc gia sẽ cho con người ta biết phải làm gì, phải làm như thế nào chứ không phải tuyển chọn một vài cá nhân đưa ra nước ngoài để đào tạo, bồi dưỡng rồi đưa về nước là có thể làm nên chuyện. Những người có văn hóa, hiểu biết, cần phải kiên quyết lên án, ngăn chặn những hành động như vậy, bởi đó không phải là tiếng nói hay nguyện vọng của người dân, thậm chí còn khiến đất nước rơi vào bất ổn, chẳng mang lại điều gì tốt đẹp.

Trước một số vụ việc liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của đất nước, sự cố môi trường hoặc một vấn đề gây bức xúc trong xã hội, người dân có thể bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình trong khuôn khổ pháp luật cho phép, thông qua các tổ chức đoàn thể, như: Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương, thậm chí ngay tại cơ quan, nhà máy nơi mình làm việc. Lòng yêu nước phải thể hiện đúng cách, không nên để các thế lực xấu lợi dụng, lôi kéo tham gia biểu tình, đập phá trụ sở cơ quan công quyền, nhà xưởng; chống đối người thi hành công vụ; ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ và uy tín của đất nước. Đó là việc làm trái pháp luật, sẽ bị lên án và xử lý nghiêm minh.

Trong thời đại hiện nay, công nghệ và truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Việt Nam là một trong 10 nước đứng đầu thế giới về số người dân sử dụng MXH, với khoảng 64 triệu tài khoản Facebook và 35 triệu tài khoản YouTube. Đây là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch tán phát thông tin xấu độc, thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta. Từ trước tới nay, chúng ta đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền bằng các loại hình báo chí truyền thống. Nhưng với số người dùng MXH đông đảo như vậy, chúng ta cần phải làm chủ mặt trận thông tin này. Không chỉ làm tốt công tác quản lý mà còn phải phát huy tính năng, ưu thế của MXH vào hoạt động truyền thông. Phát huy sức mạnh của công nghệ thông tin, làm tốt công tác truyền thông qua MXH để mỗi công dân là một người sử dụng thông thái, biết tự bảo vệ mình trước các luồng thông tin trái chiều.

* Thiếu tướng LƯU TRỌNG LƯ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên:

Nhận thức đúng để có hành động đúng

Đọc loạt bài về “Mùa xuân Arab” trên Báo Quân đội nhân dân khiến tôi nhớ lại sự việc xảy ra gần 10 năm trước (tháng 5-2011) tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Thời điểm đó, các thế lực thù địch, các tổ chức người Mông lưu vong âm mưu lợi dụng sự nghèo đói, khó khăn và vấn đề dân tộc để kích động thành lập cái gọi là “Nhà nước Mông tự trị”. Cho đến nay, âm mưu ấy các thế lực phản động vẫn chưa bị từ bỏ. Tháng 3-2020 vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" xảy ra trên địa bàn huyện Mường Nhé. Theo đó, suốt từ tháng 8-2018 đến 3-2019, các đối tượng đã âm mưu tổ chức lập "nhà nước Mông", gây mất ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm ăn, sinh hoạt của người dân. Vụ án chắc chắn là lời cảnh tỉnh đối với nhiều người, nhất là đối với đồng bào Mông từ sự ảo tưởng, viển vông, không thực tế.

Những năm qua, nhất là sau gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước đã có sự phát triển toàn diện, đời sống của nhân dân nói chung, đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng đã được cải thiện rất rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người ở nước ta ngày càng tăng; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được bảo đảm; các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy. Những thành quả mà sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng mang lại cho nhân dân, cho dân tộc là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Những khó khăn ấy của một bộ phận đồng bào đã được Đảng, Nhà nước nhìn nhận, phân tích và ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp và đang được áp dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả. Vì vậy, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, mỗi người dân cần nhận thức đầy đủ trong tổ chức và triển khai thực hiện. Nhận thức đúng cũng là cách để mỗi người giữ vững được niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch; giữ vững và ngày càng củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" tiến lên chủ nghĩa xã hội.