Từ hôm nay, Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến nhằm làm rõ hơn các vấn đề mà loạt bài đã đúc rút, đề cập cũng như những giải pháp, cách làm hay ở một số đơn vị, địa phương.

Đồng chí LƯU ĐÌNH PHÚCCục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông:

Chủ quyền thông tin và bài toán lãnh đạo, quản lý trong tình hình mới

Loạt bài giúp bạn đọc có cái nhìn chân thực về nguyên nhân, hậu quả và những bài học rút ra từ sự kiện này. Tôi đặc biệt đánh giá cao việc loạt bài đã phân tích thấu đáo tác động tiêu cực của mạng xã hội (MXH) ở các nước Trung Đông và Bắc Phi dẫn tới sự rối loạn, sụp đổ của các xã hội và chính quyền tại đây. Trong điều kiện nước ta hiện nay, vấn đề chủ quyền thông tin và bài toán lãnh đạo, quản lý thông tin là nhu cầu cấp thiết trong tình hình mới. Nhân đọc loạt bài của Báo Quân đội nhân dân, tôi muốn làm rõ hơn vấn đề này:

Hình thức mới của chủ nghĩa thực dân kỹ thuật số: Câu chuyện Mỹ cấm MXH Tiktok của Trung Quốc không có gì lạ khi mà trước đó từ rất lâu Trung Quốc đã cấm sự hiện diện của Facebook và Google ở nước này. Đó không chỉ là câu chuyện về cuộc chiến thương mại, cũng không đơn thuần là vấn đề lợi nhuận thuần túy có được. Nguyên nhân sâu xa chính là vấn đề chủ quyền thông tin. Một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo từng nói: “Những cuộc chiến tranh tương lai sẽ bắt đầu từ sự phá vỡ chủ quyền thông tin”. Quả thực, một số nền tảng xuyên biên giới lớn đang trở thành một phần của văn hóa toàn cầu, với hàng tỷ người kết nối. Nắm giữ các nền tảng lớn là nắm giữ cuộc chơi địa chính trị trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Khi hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta đều chuyển sang kỹ thuật số thì các gã khổng lồ, như: Facebook, Google... đang có quá nhiều sức mạnh. Các quốc gia đều có chủ quyền của mình trên không gian mạng trong việc nắm giữ xác thực danh tính, quản lý các cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia, điều hướng các luồng thông tin và tạo ra giá trị kinh tế từ đó. Tuy nhiên, những thứ đó đang bị chiếm đoạt bởi công nghệ mới nhất. Công nghệ thu thập và phân tích dữ liệu lớn mà ở đó, bất cứ dữ liệu nào chúng ta tạo ra đều không nằm dưới sự kiểm soát của chúng ta. Dữ liệu người dùng được phục vụ cho truyền thông, quảng cáo, phân tích chính sách, phân tích xu hướng xã hội, khuynh hướng chính trị...

Tóm lại, lợi ích địa chính trị trong lĩnh vực kỹ thuật số của mỗi quốc gia phụ thuộc nhiều vào việc chiếm lĩnh toàn bộ chuỗi các công nghệ, nắm giữ dữ liệu lớn, sử dụng nó như một công cụ lá chắn để bảo vệ chủ quyền thông tin, để tấn công đối phương khi cần thiết. Các nền tảng, như: YouTube và Facebook giờ đây đang xâm lấn lãnh địa nội dung của nhiều quốc gia, nguy cơ tiêu diệt hệ sinh thái số bản địa, biến hệ sinh thái số bản địa thành người làm thuê cho các nền tảng của các “ông lớn” công nghệ. Facebook, YouTube, Instagram đều nội dung hóa nền tảng của mình, trở thành siêu báo, siêu truyền hình. Các nền tảng xuyên biên giới khác, như: Netfix, HBO GO hay Apple Music, Amazon Book đều cạnh tranh bằng nội dung. Vì lợi nhuận khổng lồ và sự ảnh hưởng của quyền lực mềm nên các quốc gia lớn gây áp lực bảo hộ, can thiệp chính sách trên toàn cầu. Sự xâm lấn của các nền tảng xuyên biên giới đang đặt ra bài toán cho chúng ta về bảo vệ chủ quyền thông tin quốc gia.

Vấn đề lớn đặt ra trong công tác lãnh đạo, quản lý: Những công ty sở hữu các nền tảng xuyên biên giới luôn cho rằng nội dung xuyên biên giới là dòng chảy tự do. Vì thế, nó không phụ thuộc vào chính sách quản lý của các quốc gia. Trong khi đó, phương Tây và quốc gia hàng đầu về công nghệ như Mỹ lại đang kiểm soát chặt chẽ không gian mạng, thanh lọc các thông tin gây bất lợi, nhưng lại cáo buộc các quốc gia khác vi phạm “tự do thông tin”. Thực tế là, nội dung xấu độc, xâm hại quyền riêng tư, danh dự, nhân phẩm cá nhân trên truyền thông xã hội đang là vấn nạn toàn cầu. Dựa trên chuẩn mực văn hóa xã hội, luật pháp quốc gia, các quốc gia trên thế giới đang ngày càng cố gắng thực thi chủ quyền đối với internet trong biên giới của họ để bảo vệ chủ quyền thông tin, bảo vệ những giá trị văn hóa bản địa. Cân bằng giữa phát triển và quản lý, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ các giá trị văn hóa dân tộc là vấn đề lớn đặt ra trong công tác lãnh đạo, quản lý truyền thông hiện nay.

Ngoài ra, sự ảnh hưởng của các nền tảng nội dung xuyên biên giới đang làm cho báo chí trong nước mất dần nguồn thu và có nguy cơ giảm dần sự ảnh hưởng. Khoảng 50% thị phần quảng cáo trên báo chí trong nước đang rơi vào tay các nền tảng số xuyên biên giới. Mất nguồn thu sẽ đồng nghĩa với việc sa sút nội dung của kênh tuyên truyền chính thống, mất đi sự ảnh hưởng, dẫn đến việc coi câu view, với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào như một giải pháp kinh tế, dẫn đến phản ánh không đầy đủ dòng chảy chính của xã hội để tạo niềm tin xã hội.

Đề xuất mang tính gợi mở: Một là, trong thế giới số, xã hội số, một quốc gia muốn giành chủ quyền thông tin phải có lá chắn điện tử, đó là những nền tảng về thiết bị di động, chương trình, máy móc riêng, làm chủ các chuỗi công nghệ; những hệ thống riêng của các phương tiện tuyên truyền và hệ thống các quy định pháp luật quốc gia quản lý nội dung xuyên biên giới; cùng với đó, quốc gia phải có khả năng tiến hành chính sách thông tin đối nội và đối ngoại độc lập, sử dụng những nguồn lực thông tin riêng.

Hai là, tự do thông tin trên môi trường mạng đang không được chấp nhận đối với tất cả các hệ thống chính trị. Trong khi hầu hết các quốc gia, như Mỹ, Anh và Đức đang theo dõi internet để phát hiện xu hướng chính trị, dư luận, để thanh lọc thông tin bất lợi; một số quốc gia khác đang tích cực kiểm duyệt thông tin nhưng không có quốc gia nào công khai thừa nhận sự thay đổi này. Quy mô và phạm vi kiểm soát giữa các quốc gia khác nhau, nhưng thực tế là hầu hết các quốc gia đang thực hiện kiểm soát internet, và đó cần được thừa nhận như một thực tế khách quan. Do vậy, cần hướng tới một mô hình mới về chủ quyền phân chia hoặc cân bằng. Theo đó, internet được chia thành nhiều phân khúc, với một số tồn tại trong một miền có chủ quyền và các miền khác trong một miền chung. Từ đó, cần thiết có một quy tắc ứng xử mang tính cân bằng, theo chuẩn mực chung mang tính quốc tế, bên cạnh đó cần tôn trọng luật pháp quốc gia. Cũng nên tiếp cận dữ liệu số theo một hướng khác. Theo đó, bất cứ dữ liệu nào chúng ta tạo ra đều nằm dưới sự kiểm soát của chúng ta, mặc định rằng, chúng ta sẽ kiểm soát dữ liệu của mình và quyết định việc sẽ chia sẻ dữ liệu đó.

Ba là, công cuộc chuyển đổi số là cơ hội để đất nước chúng ta phát triển bứt phá. Do vậy, rất cần một đường hướng lãnh đạo rõ nét, dựa trên một chủ thuyết Việt Nam mang tính thời đại, với một quyết tâm chính trị của cả hệ thống; cần tôn trọng những cách nghĩ, cách làm mới, sáng tạo. Trong quá trình đó, rất cần những mô hình thí điểm và quan điểm bao dung trong đánh giá.

Bốn là, cần đưa vào nghị quyết về chiến lược xây dựng ngành kinh tế nội dung; xác định xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam như một ngành kinh tế trọng điểm, có vai trò bảo vệ chủ quyền thông tin của Việt Nam. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thông tin, truyền thông trên cơ sở bám sát quan điểm, đường lối của Đảng, căn cứ tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế.

* Đồng chí HỒ QUANG LỢI, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam:

Cần thiết lập trật tự thông tin và văn hóa trên mạng xã hội

Trong biến cố "Mùa xuân Arab", MXH trở thành một phương tiện kết nối các lực lượng trong xã hội, đặc biệt là lớp trẻ từ nước này sang nước khác. Nó trở thành làn sóng, một cơn gió nóng kỳ lạ chưa từng có và thay đổi bản đồ quyền lực ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Từ câu chuyện của Tunisia, Ai Cập và nhiều nước ở Trung Đông và Bắc Phi nhìn rộng ra thế giới trong vòng 10 năm qua, chúng ta thấy việc quản lý MXH là một vấn đề rất lớn cần đặc biệt quan tâm, để vừa phát huy được những tính năng, tiện ích của MXH, vừa kiểm soát, ngăn chặn những hiệu ứng tiêu cực, những hệ lụy mà MXH có thể tác động đến xã hội, đặc biệt là đối với lớp trẻ.

Để kiểm soát, ngăn chặn những tác động tiêu cực của MXH, cần nhiều biện pháp có tính tổng thể từ cấp quốc gia cho đến các ngành, các cấp, các địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội. Ngay cả trong từng gia đình cũng phải có biện pháp để các thành viên trong gia đình có ý thức sâu sắc để MXH phục vụ cho những mục đích tốt đẹp trong xã hội, không gây những hậu quả trong chính xã hội Việt Nam của chúng ta.

Một thực tế là mấy năm qua các thế lực thù địch luôn luôn sử dụng MXH để tác động vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước chúng ta. Những cuộc tấn công của các thế lực này trên MXH gây những tác hại rất nghiêm trọng. Nếu chúng ta không có những cách thức để chống lại, không quản lý được MXH thì những thông tin xấu độc, có hại cho đời sống xã hội và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước của chúng ta sẽ tiếp tục được lan truyền. Vai trò đấu tranh để chống lại những cái thông tin xấu độc đó trên MXH trước hết là của các nhà báo. Nhà báo phải xác định trách nhiệm là thể hiện tính chiến đấu của báo chí để thiết lập trật tự thông tin tin cậy. Đã là nhà báo, khi chúng ta viết bài trên tờ báo chính thức cũng như khi tham gia MXH thì trách nhiệm đều cao như nhau, chúng ta vẫn là người làm công tác chính trị, tư tưởng, là chiến sĩ tiên phong của Đảng trên mặt trận văn hóa tư tưởng. MXH là nơi mà nhà báo có thể có ảnh hưởng, nơi nhà báo luôn luôn có trách nhiệm cung cấp những thông tin chính xác, tin cậy và những thông tin có tính định hướng đối với xã hội.

* Đại úy TÔ TOÀN THẮNG, Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Tổng công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân:

Tạo lá chắn trước những thông tin xấu độc trên mạng xã hội

Loạt bài “Mùa xuân Arab-10 năm nhìn lại” được các tác giả chuẩn bị công phu cả về bố cục, nội dung, cách thể hiện và lượng thông tin. Loạt bài đã điểm lại nguyên nhân và những thủ đoạn được sử dụng để kích hoạt “Mùa xuân Arab” và những cuộc cách mạng màu, tạo nên một chuỗi những bất ổn về chính trị, kinh tế, quân sự ở các quốc gia phải hứng chịu những mùa xuân lạnh lẽo, như ở Tunisia, Ai Cập, Libya, Syria...

Các tác giả đã nhấn mạnh tính hai mặt của MXH, như: Facebook, YouTube, Twitter và sự nguy hiểm khi buông lỏng quản lý những “điểm nóng” này. Với Việt Nam, một quốc gia nơi MXH được đông đảo người dân sử dụng, loạt bài viết như trên của Báo Quân đội nhân dân là rất cần thiết, là tiền đề giúp cho đông đảo người dân hình thành những khái niệm đúng đắn về tư duy phản biện xã hội, tạo ra “lá chắn bảo vệ”, miễn nhiễm với những thông tin xấu độc trên MXH, tránh xa sự lôi kéo, dụ dỗ của các thế lực thù địch, phản động, tránh để tái diễn những sự kiện đã xảy ra như tại Bình Thuận năm 2018 hay biểu tình, bạo động đập phá nhà máy, khu công nghiệp năm 2014. Những khái niệm như “diễn biến hòa bình”, “phản kháng phi bạo lực”, “can thiệp nhân đạo”... đã được nhóm tác giả tìm hiểu, nghiên cứu, đưa ra những ví dụ gần gũi, sát với nhận thức của độc giả nhất nhằm giúp độc giả hiểu thêm về bản chất của những cuộc cách mạng màu không phải là những cuộc cách mạng thực sự, mà bản chất chỉ là những cuộc bạo loạn, lật đổ chính quyền gây ra bất ổn về chính trị, kinh tế xã hội.