PV: Với tư cách là Đại sứ một nước Arab, ông đánh giá thế nào về Mùa xuân Arab sau 10 năm bùng phát? Theo ông, “bóng ma” Mùa xuân Arab liệu có còn tái diễn tại Trung Đông- Bắc Phi và các khu vực khác không?

Đại sứ Saadi Salama: Cách đây đúng 10 năm, Mùa xuân Arab là một làn sóng chính trị làm “chao đảo” khu vực cũng như trên thế giới. Sự kiện này đã lan sang rất nhiều quốc gia Arab. Ban đầu, các cuộc biểu tình phản đối chính quyền được khá nhiều người dân cũng như các quốc gia khác quan tâm, ủng hộ với mục tiêu đem lại thay đổi tích cực và lợi ích cho các quốc gia Arab. Tuy nhiên, thực tế là họ đã “vỡ mộng”. Có thể nói, chỉ một thời gian ngắn sau, chính những người trực tiếp xuống đường đã cảm nhận được rằng sẽ chẳng có một “mùa xuân” tươi mới nào đến với họ cả. Thêm vào đó, khi nhìn vào bản chất của sự việc thì đây lại là một nỗ lực được sắp xếp từ trước của các lực lượng bên ngoài nhằm gây bất ổn, làm thay đổi các chế độ chính trị của thế giới Arab. Cuối cùng, sự “đổi thay” duy nhất mà nhiều nước Arab trong khu vực nhận được chính là sự thụt lùi hàng chục năm phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi quốc gia mà Mùa xuân Arab càn quét qua. Trường hợp như Syria, Yemen, Libya hay Iraq là những ví dụ điển hình. Thậm chí, trong 10 năm qua, chúng ta cũng không ghi nhận bất cứ nỗ lực giải quyết những vấn đề đó. Một lý do quan trọng cũng là vì có sự can thiệp bên ngoài.

Đại sứ Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama

Tôi cho rằng nhân dân Arab sau một thời gian trải qua cái gọi là Mùa xuân Arab thì họ đã “thấm thía” được sự thật. Giờ đây, họ luôn có tâm lý “phòng ngự”, tránh đi theo “đường cũ”. Bất cứ sự ủng hộ với một phong trào nào hay một Mùa xuân Arab mới nào trong điều kiện hiện nay sẽ rất khó xảy ra. Lý do là bởi những gì mà Mùa xuân Arab trước đây mang đến cho người dân đã khiến họ thấy rằng mục tiêu quan trọng nhất trong điều kiện hiện nay là đoàn kết, thống nhất, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền. Đó cũng là mục tiêu tiên quyết để mỗi quốc gia bảo vệ an ninh, an toàn cho dân tộc mình.

Chính vì vậy, bài học kinh nghiệm rút ra qua gần 10 năm của Mùa xuân Arab cho ta thấy rằng trước hết các quốc gia không để ai từ bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước mình. Chúng ta phải tự giải quyết các vấn đề của mình, luôn luôn đề cao chủ trương bảo vệ độc lập, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong dân tộc mình, tìm đến lợi ích của dân tộc mình thì mới phát triển thành công. Nếu chỉ phục vụ “chương trình nghị sự” của các nước bên ngoài thì chúng ta không bao giờ có thể thành công được. Điều đó cũng đi trái ngược với tư duy, suy nghĩ, mong muốn của mỗi người dân ở các nước Arab.

PV: Đại sứ vừa nhắc đến vấn đề sự can thiệp của bên ngoài. Sự kiện Mùa xuân Arab cho thấy một thực tế rằng sự can thiệp từ bên ngoài sẽ làm cho vấn đề nội bộ trở nên phức tạp, khó giải quyết. Theo ông, một cuộc cách mạng cần phải đảm bảo những yếu tố gì để đạt được mục tiêu hướng tới lợi ích thực sự của người dân?

Đại sứ Saadi Salama: Lịch sử đấu tranh của các dân tộc trên thế giới phụ thuộc vào các giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung lại, chúng ta luôn phải đấu tranh cho lợi ích quốc gia, nền độc lập, sự phát triển, an ninh an toàn cho dân tộc mình. Nếu là “nạn nhân” của sự can thiệp bên ngoài, hậu quả sẽ rất rõ ràng, như với nhiều quốc gia Arab vậy. Không chỉ tác động đến khu vực nói chung, Mùa xuân Arab còn ảnh hưởng đến sự nghiệp lớn nhất của các nước Arab - đó là sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine nhằm đạt được các quyền chính đáng của người dân Palestine theo luật pháp quốc tế trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông.

Sự can thiệp bên ngoài đem lại hậu quả nghiêm trọng với các quốc gia Arab. Còn phải mất rất nhiều thời gian để các nước Arab giải quyết những vấn đề do Mùa xuân Arab gây ra. Bên cạnh đó, hiện nay, tôi thấy sự can thiệp bên ngoài vào khu vực vẫn tồn tại, chưa kết thúc. Chỉ khi nào các nước nhìn thấy lợi ích quốc gia, đoàn kết dân tộc, thống nhất dân tộc, phát triển kinh tế, an ninh, hòa bình là ưu tiên quan trọng hàng đầu thì họ mới có thể tìm ra được giải pháp để thống nhất toàn vẹn lãnh thổ mỗi nước. Tôi hoàn toàn không tán thành sự can thiệp của bên ngoài vào công việc nội bộ một nước. Hiện nay chúng ta có thể thấy một quốc gia có sự can thiệp bởi nhiều nước khác nhau đã khiến quốc gia đó càng gặp khó khăn trong việc giành lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Hậu quả của Mùa xuân Arab vẫn tồn tại và chắc chắn sẽ còn mất rất nhiều năm nữa để khắc phục.

PV: Theo Đại sứ, vấn đề độc lập dân tộc và quyền tự quyết của các dân tộc cần được tôn trọng và phát huy như thế nào trong giải quyết các vấn đề nội bộ ở mỗi quốc gia?

Đại sứ Saadi Salama: Trong điều kiện hiện nay, chúng ta khó lường trước được những diễn biến có thể xảy đến. Đặc biệt, những mâu thuẫn của các nước lớn sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Vì vậy, việc nâng cao ý thức về bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc là rất cần thiết trong lúc chúng ta chưa biết chính xác về một trật tự địa chính trị mới sẽ diễn ra như thế nào.

Chúng ta nhìn thấy sự cạnh tranh, mâu thuẫn, chiến tranh thương mại đang hiển hiện rõ ràng trên phạm vi toàn cầu. Tôi tin rằng, những quốc gia không là thành viên của bất cứ liên minh nào sẽ thành công trong nỗ lực của mình để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất dân tộc, qua đó mang lại lợi ích quốc gia, phát triển kinh tế, đóng góp vào xây dựng hòa bình cho nhân loại.

PV: Là một nhà ngoại giao từng sống và làm việc nhiều năm tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về hướng đi đúng đắn của Việt Nam trong bảo vệ nền độc lập dân tộc, phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng-an ninh?

Đại sứ Saadi Salama: Ở Việt Nam, độc lập dân tộc không phải là một quà tặng của ai đó, mà là thành quả của quá trình đấu tranh trường kỳ, lâu dài, nhiều hy sinh, thử thách. Tôi cho rằng, mỗi người Việt Nam đều rất biết trân trọng giá trị của độc lập dân tộc và đoàn kết thống nhất để bảo vệ đất nước. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, điều này càng được đề cao, để Việt Nam tiếp tục là một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế.

Việt Nam có vị trí chiến lược trên bản đồ thế giới. Thời gian qua, Việt Nam đã có những chính sách phù hợp để phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng nền quốc phòng, an ninh vững chắc để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Các chính sách và biện pháp của Chính phủ Việt Nam về an ninh, an sinh xã hội được thực thi rất tốt. Là những người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, chúng tôi có thể cảm nhận được điều này và cảm thấy rất hài lòng. Minh chứng rõ nét nhất là việc Việt Nam ứng phó rất thành công với đại dịch Covid-19. Đó là kết quả từ những chính sách đúng đắn và sự tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch của người dân.  

PV: Xin cảm ơn ngài Đại sứ!

 

VĂN DUYÊN- VĂN HIẾU-VIỆT CƯỜNG (thực hiện)