Đặc biệt, hằng năm, Trường Tiểu học và THCS xã Sam Mứn đều tổ chức dọn vệ sinh xung quanh trường. Như năm học vừa qua, chỉ trong một buổi chiều mà thầy, cô giáo và các em học sinh nhà trường đã gom được rất nhiều rác, chủ yếu là rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp, thậm chí có cả lợn, gà chết.

“Trước thực trạng rác thải tràn lan, chúng em bàn nhau cần phải làm gì đó để thu gom rác dễ dàng, triệt để, qua đó góp sức bảo vệ môi trường”-em Cà Trí Dũng, học sinh lớp 9D, Trường Tiểu học và THCS xã Sam Mứn chia sẻ.

leftcenterrightdel

Thiết bị vớt rác tự động từ mương nước của giáo viên và học sinh Trường Tiểu học và THCS xã Sam Mứn. 

Nghĩ là làm, các em học sinh đã thành lập một nhóm để tiện trao đổi, lên ý tưởng. Cùng với sự tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình của thầy, cô giáo, nhóm tranh thủ thời gian rỗi để tìm thông tin trên internet, đồng thời vận dụng kiến thức đã được học rồi bắt tay vào chế tạo thiết bị vớt rác tự động. Sau những thất bại ban đầu, làm đi làm lại nhiều lần, nhóm đã hoàn thiện sản phẩm với tên gọi “Thiết bị vớt rác tự động từ mương nước” có khả năng tự vớt rác trôi nổi từ mương nước lên bờ.

Thiết bị gồm một hệ thống băng chuyền bằng lưới sắt mắt nhỏ để nước có thể chảy qua, còn rác được giữ lại; một đầu được đặt chìm dưới mương nước. Băng chuyền có thể điều chỉnh nghiêng 30-35 độ, gắn trên một khung sắt dài 3m, rộng 1m, vừa kín bề ngang kênh mương thủy lợi tại địa phương.

Thiết bị vận hành hoàn toàn tự động thông qua công tắc hẹn giờ, sử dụng mô tơ điện một chiều được cấp điện từ ắc quy 12V, có thể sạc bằng tấm pin năng lượng mặt trời gắn phía trên. Khi hoạt động, băng chuyền quay liên tục để bảo đảm thu gom toàn bộ rác trôi nổi trong lòng mương. Nhờ sức đẩy của dòng nước, rác sẽ được băng chuyền đưa lên và đổ vào xe rác được đặt ở phía sau.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, sản phẩm có thể thu gom được hơn 95% rác từ mương nước lên bờ mà không ảnh hưởng đến dòng chảy, môi trường nước. Hiện nhóm đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, nâng cao hơn nữa công năng của thiết bị theo “đơn đặt hàng” của UBND xã Sam Mứn.

“Nhà trường luôn giáo dục, định hướng các em hành động vì cộng đồng. Mong rằng thiết bị này sẽ được biết đến nhiều hơn, lan tỏa rộng rãi, góp phần bảo vệ môi trường và hạn chế ảnh hưởng của rác thải đến quá trình canh tác nông nghiệp”-thầy giáo Bùi Tiến Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Sam Mứn chia sẻ.

Bài và ảnh: HIẾU TRƯỜNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.