Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) tập trung vào một số nội dung cơ bản: Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo; giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý tố cáo; bảo vệ người tố cáo; quy định về khen thưởng người có thành tích trong việc tố cáo và xử lý hành vi vi phạm.

Báo cáo Thẩm tra dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho biết, về hình thức tố cáo (tại Điều 20), còn có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với quan điểm của Chính phủ thể hiện trong dự án Luật là chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp trên cơ sở kế thừa quy định của Luật hiện hành. Việc quy định như vậy nhằm tránh tình trạng lợi dụng tố cáo tràn lan, sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước.

Loại ý kiến thứ hai, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử… vì đây là các hình thức thông tin tiện lợi, phổ biến hiện nay. Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức cũng đã thiết lập đường dây nóng, hộp thư bạn đọc… để tiếp nhận thông tin phản ánh, tố cáo, qua đó đã thanh tra, kiểm tra và kịp thời phát hiện, xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Việc bổ sung các hình thức tố cáo này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chiến phát biểu thảo luận. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định về hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp là chưa chuẩn xác, mà nên quy định như hình thức của hợp đồng là bằng văn bản (văn bản thông thường hoặc văn bản điện tử) hoặc bằng lời nói (gặp trực tiếp để nói hoặc nói qua điện thoại). Nếu quy định có hình thức “trực tiếp” thì cần làm rõ trường hợp nào là “gián tiếp”, nếu quy định không rõ, không đầy đủ về hình thức tố cáo sẽ làm hạn chế quyền tố cáo của công dân.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật tố cáo (sửa đổi) này, đa số ý kiến của ĐBQH cũng chia theo hai luồng ý kiến này.

Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội), tố cáo phải giải quyết theo trình tự của luật tố cáo, do đó hình thức qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử… không thể xác định. Để chấp nhận loại hình này vào luật tố cáo đòi hỏi luật phải điều chỉnh minh bạch và rõ ràng, chính danh để bảo đảm quy trình, giải quyết cũng như trách nhiệm của người tố cáo. Vị ĐB Hà Nội này cũng đồng ý với ý kiến cho rằng không giải quyết tố cáo nặc danh bởi vì trong thời gian qua tố cáo nặc danh không nhiều, lợi dụng là chính. “Nếu chấp nhận tố cáo nặc danh sẽ không giải quyết được quy trình liên quan trách nhiệm của người tố cáo, vì vậy chúng tôi đề nghị chấp nhận với dự thảo không tố cáo nặc danh”, ĐB Nguyễn Văn Chiến nói.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cũng nhất  trí không giải quyết tố cáo nặc danh vì “thời gian qua tình hình khiếu nại tố cáo rất phức tạp, tố cáo có ghi rõ tên, địa chỉ cũng đã ko xuể”. ĐB cho rằng luật chỉ nên tập trung giải quyết những đơn có tính pháp lý cao như luật quy định (là phải có tên tuổi, địa chỉ và trực tiếp), không giải quyết đơn nặc danh, khi nào có đủ điều kiện mới xem xét đến đơn thư gửi qua hình thức khác.

leftcenterrightdel

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Trần Văn Mão phát biểu thảo luận. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN. 

ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An), Triệu Thanh Dung (Cao Bằng), Lê Thị Yến (Phú Thọ) cũng nhất trí với dự thảo mà Chính phủ trình Quốc hội là chỉ quy định hai hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp và không xem xét giải quyết đơn tố cáo không rõ tên, địa chỉ người tố cáo với những lý do như trong tờ trình Chính phủ đã nêu. Tuy nhiên, ĐB Lê Thị Yến đề nghị bổ sung thêm hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax… nhưng không xem xét theo trình tự thông thường mà giao cho cơ quan thanh tra.

ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) thì đánh giá dự thảo Luật còn chung chung, “một là trả lại cơ quan soạn thảo để xem xét thật kỹ, hai là phải thông qua tại 3 kỳ họp”. “Tôi cũng thống nhất không giải quyết đơn nặc danh, còn tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại di động thì cũng phải có danh mới xem xét”, đại biểu nói.

Việc bảo vệ người tố cáo cũng được nhiều ĐBQH quan tâm, nêu ý kiến. ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) cho biết, với việc giữ bí mật thông tin của người tố cáo, theo quy định của luật yêu cầu phải ghi rõ tên tuổi, địa chỉ của người tố cáo và gửi đúng đến cơ quan giải quyết tố cáo, nhưng thực tế rất nhiều đơn gửi đến không đúng nơi có thẩm quyền giải quyết, như vậy có thể sẽ làm lộ bí mật, khó bảo vệ người tố cáo. Theo ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), việc bảo vệ người tố cáo mặc dù thuộc trách nhiệm cơ quan nhà nước nhưng cũng phải quy định rõ ràng, phải có tính khả thi, cần có quy chế rõ ràng trong công tác phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ người tố cáo.

leftcenterrightdel
Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu giải trình làm rõ các vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN. 
Phát biểu giải trình trước Quốc hội chiều 16-6, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết ban soạn thảo do Thanh tra Chính phủ chủ trì sẽ cân nhắc, chọn lọc ý kiến của các ĐBQH đóng góp cho dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tới.

Về hình thức tố cáo, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đưa ra hai hình thức tố cáo trực tiếp và đơn thư có ký tên. Quy định như vậy bởi lẽ việc giải quyết tố cáo cán bộ, công chức, viên chức có nội dung và yêu cầu giải quyết rất chặt chẽ, phức tạp và nhạy cảm...  Khi nhận được thông tin thì cơ quan có thẩm quyền phải tiếp nhận xử lý và xác định rõ về người tố cáo, nội dung tố cáo, kể cả việc xử lý vi phạm đối với trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, kể cả mất đoàn kết, chính vì vậy dự thảo luật cũng quy định 2 hình thức như trên. Tuy nhiên, qua ý kiến thảo luận hôm nay, để tạo cho công dân thực hiện hình thức tố cáo và cung cấp thông tin để giải quyết xử lý theo thẩm quyền tố cáo thì có thể mở rộng 2 hình thức:

Thứ nhất là thư điện tử và có ký tên, chữ ký điện tử thì được xem xét theo quy trình giải quyết tố cáo. Các hình thức điện tử khác, công nghệ thông tin truyền thông khác thì phải xác định rõ họ tên, địa chỉ và nội dung thông tin rõ ràng thì cũng được xử lý theo quy trình giải quyết tố cáo.

Thứ hai là tố cáo nặc danh. Có 2 trường hợp: Trường hợp thứ nhất là có nội dung tố cáo không chính xác, bịa đặt, vu khống thì trường hợp này sẽ không được xem xét. Có nội dung rõ ràng, cụ thể gửi kèm những bằng chứng thì trường hợp này sẽ xem xét xử lý để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra và yêu cầu cho công tác quản lý và không xử lý theo quy trình của giải quyết tố cáo.

Thứ ba là bảo vệ người tố cáo. Nhiều ý kiến còn cho rằng còn chung chung, hình thức, chưa chặt chẽ, cần quy định cụ thể, chi tiết về cơ chế, nội dung, hình thức, biện pháp chế tài bảo vệ...

Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu những ý kiến này, chọn lọc, hoàn thiện bổ sung vào dự thảo Luật để trình Quốc hội trong các kỳ họp tới.

Đánh giá về phiên thảo luận tại hội trường, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng Dự án luật này là một dự án rất quan trọng, được cử tri và các ĐBQH rất quan tâm. Qua ý kiến thảo luận tại tổ và tại hội trường hôm nay, đa số ý kiến ĐBQH nhất trí với phạm vi cần sửa đổi toàn diện luật này.

Các vị ĐBQH đều tỏ rõ quan điểm và chính kiến của mình, như về vấn đề hình thức tố cáo, tố cáo nặc danh, mạo danh, bảo vệ người tố cáo, thẩm quyền giải quyết tố cáo, thời gian giải quyết tố cáo, hiệu lực tố cáo, trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cũng có ý kiến đồng ý với dự thảo nhưng cũng nhiều ý kiến chưa đồng tình, đề nghị cần nghiên cứu và tiếp tục điều tra, tổng hợp ý kiến, đánh giá tác động để làm rõ hơn.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, vấn đề quan trọng bây giờ là dự án luật này sẽ thông qua tại 2 kỳ họp hay 3 kỳ họp Quốc hội. Nếu theo quy trình thông qua tại 2 kỳ họp thì sau kỳ họp này việc đó chuyển cho Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ chịu trách nhiệm chính phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan để hoàn thiện, chỉnh lý dự án và trình lại Quốc hội tại kỳ họp thứ tư để thông qua.

“Nhưng với nội dung như thế liệu đã yên tâm để chúng ta thông qua và đảm bảo chất lượng chưa? Nhiều ý kiến trong buổi chiều nay, với chất lượng thế này, nhiều nội dung mới và cách quy định như thế này đề nghị phải thông qua tại 3 kỳ họp. Vấn đề quan trọng nhất là chất lượng và tính khả thi của dự án luật phải phù hợp với điều kiện hệ thống chính trị nước ta, điều kiện kinh tế - xã hội của của nước ta và bảo đảm tính khả thi thì phải 3 kỳ họp”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết sẽ báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và có thể phải gửi phiếu thăm dò ý kiến của ĐBQH theo 2 phương án. Phương án 1 là thông qua tại 3 kỳ họp, phương án 2 là thông qua tại 2 kỳ họp, ĐB ghi ý kiến vào phương án nào thì sẽ quyết định và thông báo lại với các vị ĐBQH.

Trước đó, đầu giờ chiều, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi) với 80,86% đại biểu tán thành.

SONG VŨ