8 bộ phim tham gia LHP lần này là những tác phẩm được chọn trong tổng số 27 bộ phim do Điện ảnh QĐND sản xuất từ sau LHP Việt Nam lần thứ XIX (cuối năm 2015) đến nay.

leftcenterrightdel

Đoàn cán bộ và nghệ sĩ Điện ảnh QĐND tại LHP Việt nam lần thứ XX. Ảnh: THU DUNG 

Phim tài liệu vốn là thế mạnh truyền thống của Điện ảnh QĐND, vẫn đang được phát huy với dấu ấn mới của thế hệ mới. Cách tiếp cận mới và cách nhìn mới về những đề tài tưởng như đã “cũ”, cùng tiết tấu linh hoạt thiên về “tốc độ” và những yếu tố “tươi non” trong những bộ phim đoạt giải của các ekip trẻ trong mấy kỳ LHP gần đây, được thể hiện khá rõ trong những tác phẩm được chọn tham gia LHP lần này. Đáng ghi nhận là sự đa dạng về chủ đề trong các tác phẩm: Có bộ phim kể về vấn đề định cư, định canh và xây dựng đời sống văn hóa mới của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao (Phim Định cư trên núi Giăng Màn); có bộ phim trình bày những căn cứ khoa học và chứng cứ lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khát vọng toàn vẹn lãnh thổ, quyết tâm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc (phim Khát vọng Hoàng Sa-Trường Sa); có phim nêu bật tinh thần đại đoàn kết dân tộc, cội nguồn sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc trước mọi âm mưu phá hoại, chia rẽ (phim Sống chung một mái nhà); có phim kể về những chiến sĩ đặc công nước, một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội ta (phim Yết kiêu thời hiện đại); có phim giới thiệu một hướng điều trị mới cho các bệnh nhân bị bỏng có sẹo co kéo vùng cổ và mặt; trả lại cuộc sống bình thường cho các bệnh nhân, kể cả về chức năng và thẩm mỹ (Phim Ứng dụng kỹ thuật vi phẫu trong điều trị tạo hình bỏng)...

leftcenterrightdel

Một cảnh trong phim Ngày về. Ảnh: THU DUNG 

Kết quả, đơn vị đã giành được 2 giải Bông Sen Bạc cho 2 bộ phim "Ngày về" và "Nuôi cấy tinh tử trong điều trị vô tinh nam". Bộ phim “Bảy Cồ”-Đồng Tháp được tặng Bằng khen của Ban Giám khảo LHP.

Bộ phim Ngày về (Biên kịch: Nguyễn Đức Thực; Đạo diễn: Phạm Thanh Hùng) là phim tài liệu kỹ thuật số. Đất nước đã hòa bình thống nhất hơn 40 năm nhưng vẫn còn rất nhiều những thương, bệnh binh tại các Trung tâm điều dưỡng thương binh vẫn chưa được trở về nhà do tình trạng sức khỏe không đảm bảo. Họ vẫn ngày ngày vẫn lặng lẽ sống trong ký ức của chiến tranh và chiến đấu với bệnh tật trong tình cảm, sự chăm sóc, sẻ chia của các y, bác sĩ, gia đình và đồng đội. Với những người lính này, có lẽ “ngày về” vẫn còn là khát vọng xa xôi. Nhưng dù có xa xôi cỡ nào thì khát vọng được khỏe mạnh để trở về nhà của thương bệnh binh; khát vọng của người thân được đón những người cha, người anh, người con trở về với gia đình; khát vọng của những linh hồn liệt sĩ vô danh được về ôm ấp mảnh đất quê hương và khát vọng của những y bác sĩ ngày đêm nỗ lực đưa những người lính trở về với đời thường vẫn luôn cháy bỏng...

leftcenterrightdel
Một cảnh trong phim “Bảy Cồ” - Đồng Tháp. Ảnh: THU DUNG 

Bộ phim "Nuôi cấy tinh tử trong điều trị vô tinh nam" (Biên kịch: Lê Danh Trường; Đạo diễn: Phạm Hồng Thắng) là phim tài liệu video thể loại Thông tin khoa học. Hiếm muộn con hoặc thiếu khả năng sinh sản là tình trạng đang được cảnh báo trong giới trẻ. Nguyên nhân có thể từ tác động tiêu cực của môi trường sống; tác động của các loại hóa chất, thuốc gây nghiện; do bẩm sinh, do đặc thù nghề nghiệp... Vì vậy mà phương pháp điều trị vô tinh nam được các nhà khoa học trên thế giới chú tâm nghiên cứu, trong đó có Học viện Quân y của QĐND Việt Nam. Bộ phim trình bày những thành công bước đầu rất quan trọng của Trung tâm Công nghệ Phôi (Học viện Quân y) trong việc điều trị vô tinh ở nam giới, một thành tựu nghiên cứu khoa học mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc…

Bộ phim tài liệu “Bảy Cồ” - Đồng Tháp (Biên kịch: Bạch Hoàng Đạt; Đạo diễn: Phạm Hồng Thắng) giới thiệu chân dung Đại tá, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Văn Bảy. Ông là một trong những phi công phản lực thuộc lớp đầu tiên giao chiến với không lực Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Trong giai đoạn 1965 - 1968, chỉ với loại máy bay Mig-17, phi công Nguyễn Văn Bảy đã bắn hạ 7 máy bay hiện đại của Mỹ trên bầu trời Việt Nam. Trở lại với đời thường, sau khi nghỉ hưu rời quân ngũ tại quê nhà Lai Vung-Đồng Tháp, ông sống đời giản dị của một lão nông, tiếp tục lao động, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Nguyễn Văn Bảy là một tấm gương sáng về hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo.

MAI NAM THẮNG