Tác phẩm được xây dựng trên cơ sở hiện thực nhưng không phải là bản sao của hiện thực, nó cũng có một cuộc sống riêng, theo quy luật riêng, quy luật của nghệ thuật. Dưới góc nhìn này thì tiểu thuyết 2 tập “Chim sẻ trên cánh đồng nước” của Nguyễn Trọng Văn (Nhà xuất bản QĐND, 2018) đã xây dựng thành công một mô hình riêng về đời sống nhưng có bóng dáng, chi tiết, sự kiện mang hơi thở của đời sống thực.

Sinh ra ở một làng quê nghèo, lên thành phố, ra nước ngoài rồi bước vào guồng quay quyền lực và trở thành một giám đốc phụ trách cả một ngành quan trọng, nhân vật Lai như một hình mẫu bề ngoài cho sự thành đạt. Nhưng đó không phải là một “bản sao” của truyện Trạng Lợn hiện đại hay là “biến thể” của một "Xuân tóc đỏ" đã rất nổi tiếng. Nó có một cuộc đời riêng, có suy nghĩ, hành động và những trăn trở vật vã rất con người của thời hôm nay và cũng có những may mắn khó tưởng tượng. Nếu như vậy thì ngoài đời cũng không thiếu, thậm chí còn phức tạp, vòng vo, ngẫu nhiên và ly kỳ hơn. Vậy chất tiểu thuyết ở đâu? Ở sự sắp xếp lô-gic tưởng chừng không thật mà lại rất thật của những câu chuyện cùng cách kể tuy không mới nhưng khá nhuyễn và đượm chất thơ. Có thể nói, nhân vật sinh động nhờ sự kết tinh những mẫu nhân vật có thật ở ngoài đời để rồi tác giả đưa nó bước vào tiểu thuyết đúng với đặc trưng của thể tiểu thuyết đời tư.

Gia đình Lai trong bối cảnh những năm đánh Mỹ là nông dân thứ thiệt. Ngay từ nhỏ, một thằng Lai còi cọc đã biết chắt chiu tính toán kiếm ra từng đồng tiền hào khi đi buông vó, hay đánh giậm bòn từng con tép con tôm, mớ ốc vặn. Nó như con “chim sẻ ri trên đồng nước”, một giống chim tuy bé nhỏ nhưng lanh lợi, khôn ngoan. Và không chỉ ở nhà quê, suốt đời nó vẫn như con sẻ ri láu lỉnh, lọc lõi trên cánh đồng cuộc đời. Ngay từ khi còn bé nó đã sớm có suy nghĩ khác với nhiều người là không vào bộ đội vì rất dễ hy sinh. Mà nó thì không muốn thế. Nó muốn sống để kiếm nhiều tiền. Nó chạy chọt hạ tuổi khai sinh và xin chuyển sang huyện khác học dù có thể phải học lại mấy năm. Cũng như nhiều thanh niên mới lớn khác, nó cũng có một mối tình trẻ con nhưng thật thi vị đầu đời. Oái oăm là người yêu của nó lại làm chị dâu trong dịp anh nó đang là bộ đội nghỉ phép về quê lấy vợ để đi B. Hai năm sau, ngày có giấy báo tử anh nó về làng là ngày nó được làm đàn ông với người yêu cũ. Dĩ nhiên nếp gia phong của gia đình và dư luận không thể chấp nhận mối quan hệ loạn luân. Nó bỏ nhà ra đi…

Nó lên thành phố làm ảnh thuê rồi trở thành thợ ảnh. May mắn lớn nhất cả đời nó là bắt quen, làm thân với con trai một vị thứ trưởng, rồi trở thành con rể của gia đình danh gia vọng tộc. Từ đây cái tên Lê Quang bước vào cuộc sống thị thành theo guồng quay của đồng tiền và quyền lực. Chúng chi phối, điều khiển suy nghĩ, hành vi, quan hệ của Lê Quang và cũng từ đây cái mánh lới, sự khôn lỏi, khôn vặt được dịp phát huy… Anh ta vào biên chế Nhà nước, rồi đi học đại học tại chức, rồi ra nước ngoài lao động xuất khẩu nhưng thực chất là đi buôn. Về nước, anh ta ngoi lên chức phó phòng, đi học nghiên cứu sinh lấy cái bằng phó tiến sĩ… để có “căn cứ” lên những chức cao hơn…

Cái đáng nói nhất về nhân vật cơ hội này là sự phủ nhận đến mức triệt để gốc gác nhà quê, văn hóa nhà quê đã sinh ra mình. Tiểu thuyết góp thêm một tiếng nói cảnh giác: Kẻ nào sớm quên đi nguồn cội sẽ là kẻ vô văn hóa. Tác phẩm vươn tới tầm ý nghĩa phổ quát: Nếu quyền lực rơi vào tay kẻ cơ hội sẽ cực kỳ nguy hiểm. Do vậy cần phải có cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực để trong sạch hóa lãnh đạo. Tác phẩm kịp thời đặt ra vấn đề chống tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng quyền lực thời nay.

NGUYỄN THANH TÚ