Nỗi ám ảnh về một cuộc chiến tranh thương mại tổng lực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng trở nên rõ rệt hơn khi ngày 6-7 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc và ngay sau đó, Bắc Kinh cũng tuyên bố áp thuế tương tự đối với hàng trăm mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Bài viết đăng trên South China Morning Post cho rằng, các doanh nghiệp châu Âu đang rơi vào trạng thái rối loạn khi chứng kiến cuộc cạnh tranh thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi toàn bộ nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào thương mại, sự suy thoái toàn diện của thương mại toàn cầu do những đòn áp thuế “ăn miếng trả miếng” tạo ra sẽ làm nảy sinh tâm lý sợ hãi, khiến lòng tin suy giảm. Và đó cũng chính là thực tế đang diễn ra ở châu Âu. Điển hình như ở Đức, nơi xuất khẩu chiếm tới gần một nửa sản lượng kinh tế hằng năm của nước này, lòng tin của doanh nghiệp đã suy giảm trong những tháng vừa qua. Cũng chính vì vậy mà mới đây, khi đề cập tới căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói: “Chúng ta phải nỗ lực hết sức để tháo ngòi nổ cho cuộc xung đột này, để nó không trở thành một cuộc chiến tranh”.

leftcenterrightdel
Bên trong Nhà máy sản xuất xe hơi Spartanburg ở Mỹ của hãng BMW. Ảnh: motor1.com.

Thực tế cho thấy, hiện châu Âu cũng đang rơi vào một cuộc tranh chấp thương mại riêng với Mỹ. Sau khi Washington áp thuế đối với sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu từ các đồng minh, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), khối này đã đáp trả bằng việc áp thuế nhằm vào các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ với tổng trị giá khoảng 3,25 tỷ USD. Tổng thống Donald Trump còn đang xem xét khả năng tăng thuế đối với mặt hàng xe hơi nhập khẩu và điều này có thể dẫn tới cuộc đối đầu leo thang giữa Mỹ và EU.

Trước tình hình trên, dự kiến cuối tháng 7 này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker sẽ đích thân sang Washington nhằm nỗ lực thuyết phục ông Donald Trump không đưa ra những biện pháp tương tự nhằm vào các doanh nghiệp của Lục địa già.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Berenberg ở London (Anh) cho rằng, căng thẳng thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo ra đang phủ đám mây đen lên triển vọng kinh tế ở châu Âu. Nhiều công ty châu Âu sẽ chịu tổn thất lớn, bởi họ vừa sản xuất lại vừa bán hàng ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Chẳng hạn, việc Trung Quốc áp thuế đối với ô tô sản xuất tại Mỹ sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến hai hãng xe hơi của Đức là Daimler và BMW, bởi hai hãng này đều sản xuất ô tô tại Mỹ và sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc. Đến nay, Daimler đã phải hạ thấp triển vọng lợi nhuận của hãng này. Trong lá thư vừa gửi tới Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, BMW cũng cảnh báo rằng, các biện pháp áp thuế có thể sẽ khiến hãng này khó khăn hơn trong việc bán các sản phẩm được sản xuất ở nhà máy ở Spartanburg, bang South Carolina (Mỹ) tại thị trường Trung Quốc, từ đó sẽ dẫn tới sản lượng xuất khẩu bị suy giảm nghiêm trọng và để lại những ảnh hưởng tiêu cực đối với đầu tư và việc làm tại Mỹ. Được biết, trong năm 2017, BMW đã xuất khẩu 272.000 xe hơi từ nhà máy Spartanburg, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng của hãng này. Trong số đó có tới 81.000 xe với tổng trị giá khoảng 2,37 tỷ USD được xuất sang Trung Quốc. BMW tự hào cho biết xuất khẩu của hãng này đã giúp giảm tỷ lệ nhập siêu của Mỹ khoảng 1 tỷ USD.

Mỗi năm, các công ty xe hơi châu Âu như BMW, Daimler, Volkswagen và Fiat cũng xuất sang Mỹ tổng số xe hơi trị giá khoảng 46,6 tỷ USD. Ngoài ra, theo Hiệp hội sản xuất xe hơi châu Âu, khoảng 13,3 triệu người, tức 6,1% dân số có việc làm tại EU, hiện đang làm việc trong ngành sản xuất xe hơi. Cũng chính vì lẽ đó mà các quốc gia châu Âu đang thấp thỏm muốn biết liệu trong thời gian tới chính quyền của Tổng thống Donald Trump có tiếp tục áp thuế nhập khẩu ô tô hay không.

Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Natixis cho rằng, châu Âu sẽ không thu được lợi ích gì từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, bởi khu vực này bao gồm toàn những quốc gia xuất siêu.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhận định rằng, cuộc cạnh tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington có thể sẽ đem lại lợi ích cho một vài công ty và lĩnh vực ở châu Âu. Bởi về lý thuyết, các nhà sản xuất xe hơi, máy bay, hóa chất, chíp máy tính và máy móc công nghiệp… của châu Âu hoàn toàn có thể tìm cách “chiếm chỗ” của các mặt hàng của Trung Quốc và Mỹ tại hai thị trường này. Song điều đó chỉ xảy ra nếu như châu Âu không bị rơi vào một cuộc tranh chấp thương mại leo thang với Mỹ.

ANH VŨ