Trong phán quyết đưa ra cuối tháng 2 vừa qua, Tòa án Hành chính liên bang thành phố Leipzig nêu rõ, các chính quyền địa phương có quyền ban hành lệnh cấm hàng triệu xe ô tô đời cũ và chạy bằng dầu diesel lưu hành ở trung tâm các thành phố. Phạm vi của lệnh cấm chủ yếu ở những thành phố ô nhiễm khói mù như Stuttgart và Duesseldorf, song có thể sẽ được áp dụng trên cả nước. Các thẩm phán cho rằng, lệnh cấm xe chạy diesel cần được áp dụng dần và có thể có ngoại lệ đối với một số loại xe. Tại thành phố Stuttgart, nơi đóng đô của hai hãng sản xuất xe ô tô BMW và Dainler, được xem là thủ phủ của ngành công nghiệp sản xuất ô tô tại Đức, lệnh cấm này có thể có hiệu lực sớm nhất vào tháng 9 tới.

leftcenterrightdel
Tượng đồng ở thủ đô Roma bị hoen gỉ do tác động của khí thải ô tô. Ảnh: Reuters.

Phán quyết của tòa án được coi là thắng lợi lớn đối với tổ chức hoạt động vì môi trường Deutsche Umwelthilfe (DUH). Theo đánh giá của DUH, có tới 90 thành phố của Đức có nguy cơ bị phạt do lượng khí thải NO2 trong không khí vượt mức cho phép. Trong nhiều năm qua, DUH vẫn theo đuổi các vụ kiện giới chức bang và địa phương ở Đức, trong đó có hai thành phố Stuttgart và Duesseldorf, để buộc họ đưa ra các biện pháp cải thiện chất lượng không khí.

Theo nhận định, mức độ ô nhiễm không khí tại một số thành phố của Đức đang vượt quá so với quy định. Đây là vấn đề nhức nhối cho cả các cơ quan chức năng và doanh nghiệp sản xuất ô tô. Tuy nhiên, phán quyết của tòa án cũng làm dấy lên lo ngại rằng, việc cấm xe ô tô chạy diesel có thể ảnh hưởng đến việc đi lại của hàng triệu người, đe dọa hàng trăm nghìn việc làm. Đối với ngành công nghiệp xe hơi Đức, lệnh cấm có thể tạo ra cơn địa chấn, nhất là khi đã chịu thiệt hại sau vụ hãng Volkswagen thừa nhận gian lận kiểm tra khí thải diesel tại Mỹ năm 2015.

Ngay sau khi Tòa án Hành chính liên bang thành phố Leipzig đưa ra phán quyết trên, chính quyền thành phố Roma của Italia cũng tuyên bố sẽ đưa ra một quyết định tương tự trong thời gian sớm nhất. Theo bà Virginia Raggi, thành viên Phong trào 5 sao (M5S), những công trình nghệ thuật bằng đá, tượng điêu khắc bằng đồng ở Roma đang bị ô nhiễm không khí đe dọa. Dẫn một nghiên cứu của Bộ Văn hóa Italia, bà Raggi cho biết, trong vòng vài năm qua, 3.600 bức tượng đá và 60 tượng điêu khắc bằng đồng ở Roma bị hủy hoại nghiêm trọng mà nguyên do là ô nhiễm không khí. “Thủ đô của Italia hiện nay không có các nhà máy lớn, do vậy, ô nhiễm không khí chủ yếu xuất phát từ khí thải của các phương tiện giao thông. Chúng tôi muốn hành động mạnh mẽ hơn để chấm dứt tình trạng này”, bà Raggi nói.

Tại kinh đô thời trang Milan (Italia), khoảng 2/3 trong tổng số 1,8 triệu xe ô tô mới được bán ở Italia trong năm 2017 chạy bằng động cơ diesel, theo thống kê của ngành công nghiệp ô tô nước này. Hội đồng thành phố Milan cũng muốn cấm các loại xe chạy bằng diesel trước năm 2030.

Đức, Italia không phải là những quốc gia đi tiên phong trong việc cấm các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu diesel) trong tương lai. Trước đó, các thành phố như Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha), Mexico City (Mexico) và Athens (Hy Lạp) đã tuyên bố cấm xe chạy diesel lưu thông ở trung tâm từ năm 2025. Năm ngoái, Chính phủ Anh cho biết, nước này sẽ cấm bán ô tô chạy bằng diesel bắt đầu từ năm 2040 nhằm mục đích làm sạch môi trường của đất nước. 

Việc hàng loạt quốc gia sẽ cấm xe chạy động cơ diesel có thể coi là tin tốt lành đối với các công ty đang phát triển mảng xe điện như Tesla hay mới đây là BMW và một số hãng xe khác. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thị trường xe điện mới chỉ chủ yếu tập trung ở một số quốc gia. Trong đó, 95% doanh số bán xe điện phân bố ở 10 quốc gia: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan và Thụy Điển. Tuy nhiên, việc chuyển sang sử dụng xe điện sẽ rất tốn kém và ảnh hưởng nhiều đến những quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu thô. Do vậy, việc ngừng sử dụng xe ô tô chạy bằng diesel sẽ phải mất nhiều thời gian để xem xét cũng như xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện. 

BÌNH NGUYÊN