Theo các chuyên gia y tế, ghép phổi là một trong những kỹ thuật ghép tạng phức tạp nhất trong y học. Thực hiện kỹ thuật ghép phổi từ người cho còn sống đã khó, ghép hai phổi một lúc từ người cho chết não còn khó gấp bội phần, bởi yếu tố thời gian và những điều kiện duy trì tạng, lấy tạng đủ điều kiện ghép từ người cho chết não. Trung tướng, GS, TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện TƯQĐ 108, thông tin: Để có được thành công từ ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não, cán bộ, thầy thuốc của bệnh viện đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong nghiên cứu, làm chủ khoa học kỹ thuật ghép tạng nói chung, ghép phổi nói riêng.

leftcenterrightdel
Các bác sĩ thực hiện ghép phổi tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: VĂN THUẤN

Từ năm 2015, Bệnh viện TƯQĐ 108 được Bộ KHCN triển khai nhiệm vụ KHCN độc lập cấp quốc gia về “Nghiên cứu triển khai ghép phổi lấy từ người cho chết não” do Trung tướng, GS, TS Mai Hồng Bàng làm chủ nhiệm. Đến năm 2016, bệnh viện được Chính phủ, Bộ KHCN, Bộ Quốc phòng tin tưởng giao thực hiện đề án KHCN tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Sau khi nhận nhiệm vụ, Bệnh viện TƯQĐ 108 đã khắc phục khó khăn, tập trung mọi nguồn lực, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại như phòng mổ, phòng hồi sức chuyên sâu, cùng các danh mục thuốc, vật tư y tế. Đặc biệt, để có nguồn nhân lực trình độ cao, Bệnh viện TƯQĐ 108 đã cử hơn 30 bác sĩ, phẫu thuật viên và các điều dưỡng sang học tập, nhận chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện, trung tâm y tế hàng đầu thế giới về ghép tạng, như: Bệnh viện Foch Paris (Pháp), Bệnh viện Yangsan (Hàn Quốc), Bệnh viện Fukuoka (Nhật Bản) và tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các bệnh viện hàng đầu trong nước về ghép tạng, như các bệnh viện: Việt-Ðức, Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y); tổ chức ghép thực nghiệm, từng bước triển khai các kỹ thuật ghép tạng. Với thành công của ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời là trường hợp lấy-ghép đa tạng, điều phối vận chuyển và ghép tạng xuyên Việt cho 6 bệnh nhân tại ba bệnh viện ở hai miền Nam-Bắc thành công, Bệnh viện TƯQĐ 108 tạo nên bước phát triển mới trong lĩnh vực ghép tạng của nền y học nước nhà, trong đó vai trò công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN là nền tảng.

Từng làm việc nhiều lần và trực tiếp tham gia ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam với các thầy thuốc chiến sĩ, GS Ngai Lưu, chuyên gia gây mê hồi sức Bệnh viện Foch Paris (Pháp) nhận xét: “Sự thành công của ca ghép phổi tại Bệnh viện TƯQĐ 108 là kết quả của sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, từ trang thiết bị y tế đến nguồn nhân lực, nhất là việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN của cán bộ, bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế Bệnh viện TƯQĐ 108. Họ đều có trình độ chuyên môn cao, làm việc rất chuyên nghiệp. Những vấn đề còn mới, các bác sĩ luôn cầu thị và tiếp thu rất nhanh, luôn quyết tâm cao nhất để đạt thành quả”. Còn với BS Plerre Bonnette, chuyên gia về phẫu thuật ghép phổi của Bệnh viện Foch Paris, thì hơn hai năm phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện TƯQĐ 108 thực hiện đề án “Nghiên cứu triển khai ghép phổi lấy từ người cho chết não”, chính ông học được nhiều kiến thức bổ ích từ các thầy thuốc Bệnh viện TƯQĐ 108.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tướng Mai Hồng Bàng cho rằng, thành công của ca ghép phổi đầu tiên từ người chết cho não là niềm hạnh phúc lớn của các thầy thuốc chiến sĩ. Bởi đây là dấu mốc để các chiến sĩ áo trắng tiếp tục vươn lên, làm chủ kỹ thuật ghép phổi nói riêng và các tạng, bộ phận cơ thể người nói chung. Trung tướng Mai Hồng Bàng khẳng định, trong những năm tới, Bệnh viện TƯQĐ 108 sẽ tiếp tục thực hiện chương trình, kế hoạch trong đề án khoa học ghép mô, bộ phận cơ thể người. Tiếp đó, bệnh viện sẽ nghiên cứu ứng dụng và phát triển hoàn thiện các kỹ thuật ghép tim, khối tim phổi, tụy-thận, ruột, tử cung, chi thể… Mục tiêu đến năm 2025, Bệnh viện TƯQĐ 108 sẽ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển đồng bộ các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người, phấn đấu trở thành một trong các trung tâm ghép mô, bộ phận cơ thể người hàng đầu của Việt Nam, ngang tầm với các quốc gia có nền y học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

TIẾN ĐẠT