Tham gia trên tinh thần tự nguyện

Mùa nước nổi, đoạn sông Sở Hạ chảy qua xã biên giới Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) như rộng thêm ra, có nơi nước dâng gần tới mặt đường giao thông liên xã. Một số cột mốc biên giới quốc gia nằm dọc bờ sông cũng bị ngập, thế nhưng hằng tuần, các thành viên trong Tổ tự quản ấp Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ đều tự giác bơi xuồng đến kiểm tra, dọn dẹp vệ sinh kỹ lưỡng.

Ông Phạm Văn Tranh, Tổ trưởng Tổ tự quản ấp Dinh Bà, cho biết: Các thành viên trong tổ đều là người địa phương, thông thuộc địa hình, địa vật nên nhiệm vụ tuần tra và giải quyết tình huống phát sinh luôn gặp thuận lợi. "Tổ chúng tôi có 18 thành viên, phần lớn là hội viên cựu chiến binh và nông dân, tất cả đều tham gia trên tinh thần tự nguyện, đặt dưới sự quản lý của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Đồng Tháp)".

leftcenterrightdel
Các thành viên Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự khu vực biên giới ấp 1, xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự bên cột mốc quốc gia. 

Ông Ngô Công Thành, cựu chiến binh, thành viên Tổ tự quản ấp Dinh Bà, cho biết thêm: Không chỉ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, tổ chúng tôi còn tham gia bảo vệ an ninh trật tự địa bàn, làm công tác hòa giải ở cơ sở. Hằng đêm đều cắt cử người tuần tra, canh giữ những điểm nóng, kịp thời thông báo với lực lượng chức năng khi có vụ việc phức tạp.

Còn tại xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, những năm qua, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới luôn nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của người dân. Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, hiện nay, không chỉ người có đất sản xuất sát biên giới tham gia tổ tự quản, mà theo Đại úy Vũ Văn Khu, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Sông Tiền (BĐBP tỉnh An Giang), trên địa bàn có ba tổ của các tổ chức hội nông dân, hội phụ nữ và đoàn thanh niên hoạt động, mỗi tổ thu hút hàng chục người tham gia. Đây là những nhân tố tích cực, góp phần đưa phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu.

Cánh tay nối dài của lực lượng biên phòng

Thượng tá Đỗ Văn Hoàng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ (BĐBP tỉnh Kiên Giang) cho rằng, từ kết quả hoạt động thực tiễn, các tổ tự quản đã góp phần cùng đơn vị xây dựng vững chắc thế trận biên phòng  trên toàn tuyến biên giới. “Do địa bàn rộng, lực lượng của đơn vị mỏng nên chúng tôi xem các tổ tự quản như cánh tay nối dài của mình. Thành viên tổ tự quản đều là người dân tự nguyện tham gia, vì thế, họ có điều kiện gần gũi, trực tiếp vận động mọi người xung quanh thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; chấp hành nghiêm quy chế qua lại biên giới, phòng ngừa hiệu quả các hành vi vượt biên, vận chuyển hàng hóa trái phép hoặc sang nước bạn chăn thả gia súc, gia cầm, đánh bắt thủy sản, thuê mướn đất sản xuất”-Thượng tá Đỗ Văn Hoàng nói.

Đại úy Vũ Văn Khu cho biết: Các tổ tự quản đều rất tích cực, chủ động cung cấp thông tin về tình hình địa bàn, biên giới. Qua đó giúp đơn vị xử lý nhanh chóng, chính xác, dứt điểm các vụ việc xảy ra. Các tổ tự quản còn phối hợp tốt với đơn vị trong việc hướng dẫn người dân nắm chắc các dấu hiệu trên thực địa đường biên, cột mốc để tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Theo Thượng tá Lê Văn Lâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, trên địa bàn có 8 tổ tự quản với 270 thành viên. Thời gian qua, ngoài nhiệm vụ giữ gìn đường biên, cột mốc, các tổ tự quản đã cung cấp hàng nghìn tin về các hoạt động vi phạm quy chế biên giới, buôn lậu và các hoạt động tội phạm khác, giúp đơn vị làm tốt công tác quản lý biên giới.

Để phát huy tốt vai trò của các tổ tự quản

Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, kết quả hoạt động của các tổ tự quản trên tuyến biên giới các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang đều được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Tuy nhiên, để thu hút đông đảo người dân tự nguyện tham gia, phát huy tốt vai trò và nâng cao hiệu quả của tổ tự quản, còn rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải quan tâm giải quyết.

Thiếu tá Phùng Đắc Trọng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bình Thạnh (BĐBP tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, tổ tự quản chính là lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng nền biên phòng toàn dân, nhưng phần lớn các thành viên đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Để người dân an tâm tham gia hoạt động, chính quyền địa phương cần quan tâm tạo điều kiện cho họ vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế, có chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, nhà ở. Ông Phạm Văn Tranh dẫn chứng: “Về chế độ được hưởng, ngoài mức trợ cấp 500.000 đồng/tháng thì Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà đã hỗ trợ thêm cho tổ chúng tôi 300.000 đồng/tháng. Trước đây, tổ có 21 thành viên nhưng bây giờ chỉ còn lại 18 thành viên. Các thành viên không tham gia nữa là do kinh tế gia đình quá khó khăn, buộc họ phải đi làm ăn xa kiếm sống chứ ai cũng rất nhiệt tình với công tác”.

Ngoài việc hỗ trợ nâng cao đời sống cho người dân tham gia tổ tự quản, Thượng tá Đỗ Văn Hoàng đề xuất: Thành viên các tổ tự quản, sau khi qua các bước lựa chọn, rất cần được bồi dưỡng nghiệp vụ tại chỗ, nắm chắc kiến thức về quy chế biên giới, cửa khẩu; thực trạng đường biên, mốc quốc giới và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác, cùng phát triển; kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tốt nhằm tạo động lực thúc đẩy phong trào phát triển ngày càng sâu rộng.

Bài và ảnh:
 HỒNG HIẾU