leftcenterrightdel
Bộ đội ta tiến vào giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Ảnh tư liệu. 
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh quyết định sử dụng lực lượng chủ lực mạnh (một quân đoàn tăng cường) mở Chiến dịch Tây Nguyên, đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắc Lắc và toàn bộ địa bàn chiến lược Tây Nguyên, thực hiện chia cắt, tạo thế chiến lược... Thị xã Buôn Ma Thuột được chọn làm mục tiêu chủ yếu, đồng thời là trận then chốt mở màn chiến dịch.

 

Tham gia chiến dịch quan trọng này lực lượng đặc công có Trung đoàn Đặc công 198; các đơn vị đặc công Mặt trận và đặc công của các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc... Nhiệm vụ của các đơn vị đặc công là: Luồn sâu, đánh, chiếm giữ một số mục tiêu quan trọng trên hướng chủ yếu ở Buôn Ma Thuột; nghi binh, kiềm chế, chia cắt địch ở Plei-cu, Kon Tum. Thực hiện nghi binh, tạo thế, từ ngày mồng 4 đến 9-3-1975; tập kích Sân bay Cù Hanh, khu kho Pty Crông, đánh chiếm và vây ép Chi khu Đức Lập...

Từ ngày mồng 4 đến ngày 9-3, bộ đội ta tác chiến nghi binh tạo thế, triển khai lực lượng, chia cắt chiến dịch. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trận then chốt mở đầu chiến dịch, đêm mồng 8 rạng ngày 9-3, Tiểu đoàn Đặc công của Sư đoàn 10 tiến hành luồn sâu vào mỏm B Đức Lập đồng loạt nổ súng. Sau hai giờ chiến đấu đã làm chủ hoàn toàn mỏm B để cho chủ lực triển khai hỏa lực bắn thẳng vào Chi khu Đức Lập, tạo điều kiện cho bộ binh đánh chiếm toàn bộ chi khu vào ngày 10-3. Như vậy, ta đã cắm chốt trên Đường 14, làm chủ đoạn đường từ Đức Lập-Đường 14B-Lộc Ninh và uy hiếp trực tiếp Buôn Ma Thuột từ hướng Tây Nam. Trước đó, Tiểu đoàn 3 hỏa lực ĐKB, Trung đoàn Đặc công 198 đưa pháo vào sát hàng rào Sân bay Cù Hanh từ ngày 4-3, liên tục đánh phá sân bay, phá hủy nhiều máy bay, bom đạn, xăng dầu, làm tê liệt sân bay địch.

Trên hướng tiến công chủ yếu, đêm mồng 9, rạng ngày 10-3, các tiểu đoàn 4, 5, 27 của Trung đoàn Đặc công 198 bất ngờ, đồng loạt tiến công sân bay thị xã, kho đạn Mai Hắc Đế, Sân bay Hòa Bình, hậu cứ Trung đoàn 44, căn cứ Trung đoàn 53 của địch. Sau khi tiến công, các đơn vị đã tổ chức chiếm giữ mục tiêu, kiên cường bám trụ đánh bại nhiều đợt phản kích của địch, tạo bàn đạp thuận lợi cho các đơn vị binh chủng hợp thành tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Trên hướng Plei-cu, Kon Tum, các tiểu đoàn 1, 2, 3 của Trung đoàn Đặc công 198 phối hợp với bộ binh tiến công Đắc Soong, Sân bay Cù Hanh, trận địa xe tăng, kho tàng… thực hiện chia cắt địch chi viện cho Buôn Ma Thuột.

Quá trình tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Tây Nguyên, BĐĐC đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch. Thắng lợi đó thể hiện trước hết ở việc BĐĐC đã quán triệt sâu sắc quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, nắm vững nhiệm vụ của binh chủng, chuẩn bị chu đáo về thực lực và thế trận vững chắc trong hậu phương địch. Ở Tây Nguyên, ta đã sớm xây dựng Trung đoàn Đặc công 198 với lực lượng mạnh lên tới 6 tiểu đoàn (gồm Tiểu đoàn 1, 2, 3, 4, 5, 27). Đặc biệt, thấy rõ tính chất, quy mô, yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu, trước chiến dịch, các đơn vị đã đẩy mạnh công tác huấn luyện bộ đội, bồi dưỡng cán bộ, kiện toàn và tăng cường các thành phần cần thiết như bộ binh, súng phòng không, súng chống tăng, thông tin liên lạc; chuẩn bị cả tinh thần và vật chất cho bộ đội đánh, chiếm giữ theo yêu cầu chiến dịch.

Phát huy sở trường, sử dụng BĐĐC đánh vào những mục tiêu hiểm yếu quan trọng là nét độc đáo trong nghệ thuật tác chiến của Chiến dịch Tây Nguyên. Do ta giữ được bí mật đến cùng và dựa vào địa hình rừng núi của Tây Nguyên, Bộ chỉ huy Chiến dịch đã sử dụng BĐĐC như một lực lượng đột phá, bí mật luồn sâu đánh chiếm sân bay thị xã, kho đạn Mai Hắc Đế, làm bàn đạp cho chủ lực ta bất ngờ thọc thẳng tiêu diệt địch, giải phóng Buôn Ma Thuột trong thời gian ngắn nhất. Ta đã sử dụng hai tiểu đoàn đặc công mạnh, có tăng cường hỏa lực súng phòng không, ĐKZ, luồn sâu đánh chiếm Sân bay Hòa Bình, hậu cứ Trung đoàn 44 và 53 của địch, hình thành chốt chia cắt chiến dịch, không cho địch co cụm lại ở đây và không cho địch đổ quân bằng đường không để phản kích chiếm lại Buôn Ma Thuột. Sử dụng đặc công hậu cứ liên tiếp đánh phá cơ quan chỉ huy địch ở Plei-cu, đánh phá sân bay và các trung tâm thông tin, các kho tàng, góp phần làm rối loạn cơ quan chỉ huy của chúng. Cách sử dụng lực lượng như vậy đã phục vụ đắc lực cho những trận đánh then chốt. Thực tế chiến đấu, đặc công đã thực hiện luồn sâu, lót sát vào tất cả các mục tiêu, bí mật, bất ngờ đánh chiếm đúng thời gian quy định và chiến đấu chốt giữ mục tiêu theo yêu cầu của cấp trên, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bảo đảm thắng lợi của chiến dịch.

NGUYỄN VĂN QUÝ

Trường Sĩ quan Lục quân 1