Vẫn còn tình trạng chồng chéo về thủ tục

Đánh giá các bộ, ngành, cơ quan đã có nhiều cố gắng trong cắt giảm, bãi bỏ TTHC, tuy nhiên, theo đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, chỉ riêng với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), số lượng mặt hàng, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành còn rất nhiều, trong đó có nhiều thủ tục chồng chéo, bất hợp lý, không có hiệu quả trên thực tế. Từ đó đặt ra yêu cầu phải lược bỏ các rào cản, phải cải cách mạnh mẽ để tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn. Ví dụ, Bộ Y tế còn hơn 850 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) còn hơn 7.600 mặt hàng... Một số bộ như Bộ Tài nguyên và Môi trường có 110 mặt hàng thuộc 3 nhóm sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành, tuy nhiên chưa có đề xuất cắt giảm, bãi bỏ mặt hàng, sản phẩm và TTHC liên quan.

leftcenterrightdel
Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: cafef.vn

Bên cạnh đó, hiện vẫn còn tồn tại tình trạng chồng chéo giữa các bộ về kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa XNK. Đơn cử như các sản phẩm xe máy phân khối lớn, dung tích xi lanh từ 175cc trở lên vừa kiểm tra ở Bộ GTVT nhưng vẫn phải xin giấy phép ở Bộ Công Thương, tạo cho doanh nghiệp thủ tục không cần thiết. Hay với các sản phẩm khác, Bộ Công Thương và Bộ Y tế đều kiểm tra hóa chất, nước uống; giữa Bộ Công Thương với Bộ NN&PTNT chồng chéo trong kiểm tra mặt hàng dầu mỡ, sữa...

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) cho biết, về một số mặt hàng cụ thể như máy kéo, máy nông nghiệp hiện do Bộ NN&PTNT cùng với Bộ GTVT quản lý, bộ kiến nghị chuyển về một đầu mối là Bộ GTVT, mặt hàng men sống đề nghị chuyển về Bộ Y tế... Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, có những sản phẩm do hai, ba cơ quan trong Bộ NN&PTNT cùng kiểm tra với chức năng khác nhau như kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, rất khó để quy về một đầu mối.

Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một mặt hàng chỉ giao cho một bộ chủ trì, trong cùng một bộ chỉ giao cho một cơ quan đầu mối, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đề nghị, các bộ cùng ngồi lại và đưa ra phương án xử lý cụ thể giống như với sản phẩm phân bón, trước đây do nhiều bộ quản lý nhưng nay chỉ còn một đầu mối là Bộ NN&PTNT.

Tạo thuận lợi nhưng vẫn bảo đảm công tác quản lý

Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 nêu rõ, một trong những nhiệm vụ của năm nay là cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Hiện nay, còn 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với hơn 3.500 yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Công Thương được đánh giá là đơn vị đi đầu trong cắt giảm điều kiện kinh doanh với việc đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP, cắt giảm 675 trên tổng số hơn 1.200 điều kiện kinh doanh thuộc các lĩnh vực do bộ quản lý. Bộ Y tế có hơn 850 điều kiện kinh doanh thuộc 11 nhóm ngành, hàng, hiện nay đang rà soát để đề xuất bãi bỏ, sửa đổi; Bộ GTVT có gần 500 điều kiện kinh doanh, đã đề xuất cắt bỏ 15%...

Đánh giá về cải cách TTHC ở các bộ, ngành, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, các bộ bắt đầu tự cải cách, tự thay đổi, đó là điểm tích cực, bên cạnh còn có cơ quan đôn đốc, nhắc nhở. Tuy nhiên, kết quả giữa các bộ chưa đồng đều, nơi làm nhanh, kết quả tốt, nơi còn chậm. “Ở đâu lãnh đạo bộ, bộ trưởng quyết liệt thì ở đó có kết quả rõ ràng. Nghĩa là các bộ trưởng vào cuộc chưa đồng đều. Trong nội bộ các bộ, ngành vẫn còn sự chần chừ về cải cách”, TS Nguyễn Đình Cung bày tỏ.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị, nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh phải đi vào thực tiễn cuộc sống với lộ trình cắt giảm đồng bộ, có như vậy thì người dân, doanh nghiệp mới thật sự hưởng lợi.

Nhấn mạnh yêu cầu phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh cần phải tránh hình thức, tránh gom nhiều điều kiện vào một hoặc giảm điều kiện này nhưng lại phát sinh đòi hỏi khác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, từ ngày 15-3 sẽ bắt đầu kiểm tra từng bộ. Công tác kiểm tra đi vào cụ thể, chi tiết theo thẩm quyền của các bộ, cắt giảm thủ tục hành chính ở văn bản nào, những quy định nào. Tổ công tác sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chủ trương ban hành một nghị định để sửa nhiều nghị định theo trình tự rút gọn với mong muốn công tác cải cách hành chính, rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ được thực hiện trong thời gian nhanh nhất; xóa bỏ những rào cản bất hợp lý nhưng phải bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia, thúc đẩy sản xuất trong nước, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh, môi trường. 

MẠNH HƯNG