Phát triển nhanh nhưng chưa mạnh

Hiện, toàn TP Cần Thơ có 8.000 doanh nghiệp (DN) và 72.000 cơ sở kinh tế cá thể hoạt động. Những năm qua, cộng đồng DN, hộ kinh doanh có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của thành phố. Bình quân hằng năm, KTTN đóng góp hơn 73% GRDP của thành phố; giải quyết việc làm cho gần 140.000 lao động. Cộng đồng DN còn góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội…

leftcenterrightdel
Sản xuất cá thát lát tại Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N, TP Cần Thơ. (Ảnh: Nam Hương)

Theo nhận định của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Cần Thơ, những năm gần đây, các DNTN tăng nhanh về số lượng, số vốn đăng ký kinh doanh và hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, như: Công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ… Những KTTN dần hình thành với quy mô, tiềm lực ngày càng lớn mạnh, không chỉ khẳng định thương hiệu trong nước mà còn vươn ra thế giới, từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Ví như Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An; Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông.. là những DNTN điển hình.

Mặc dù được đánh giá là khu vực kinh tế năng động có giá trị gia tăng khá cao, song KTTN ở Cần Thơ vẫn tồn tại nhiều yếu kém. Các DNTN chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ nên năng lực rất hạn chế. Nhiều DN sử dụng dây chuyền sản xuất, thiết bị lạc hậu, thường đi sau các nước trong khu vực 2-3 thế hệ, làm mất đi sức cạnh tranh với DN ngoại. Trình độ quản lý của DNTN cũng bộc lộ không ít bất cập, vì một bộ phận không nhỏ chủ DN vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh theo cảm tính và kinh nghiệm tự tích lũy nên khó chống đỡ khi gặp phải những vấn đề nghiêm trọng, nhất là liên quan đến pháp luật hoặc xử lý tranh chấp thương mại; đội ngũ nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thiếu vốn, năng lực cạnh tranh yếu, thiếu tính liên kết, chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Nhận định về điều này, bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP Cần Thơ cho rằng: “Nhược điểm chung của chủ DNTN ở Cần Thơ hiện nay là ít kiến thức và thiếu kinh nghiệm quản lý kinh doanh; kinh nghiệm thương trường và xúc tiến thương mại, chậm đổi mới về tư duy kinh tế. Do vậy, quá trình hội nhập kinh tế thế giới, khi xuất hiện những tình huống phải xử lý để giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ DN gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, quý I-2018, trên địa bàn thành phố có 302 DN đăng ký kinh doanh trên các loại hình, nhưng lại có tới 39 DN giải thể mà phần lớn DN giải thể thuộc khu vực KTTN".

Trợ lực cho KTTN phát triển

Để thúc đẩy sự phát triển của KTTN, thời gian qua, lãnh đạo TP Cần Thơ thường xuyên theo sát diễn biến hoạt động của cộng đồng DN; lắng nghe, tìm hiểu tình hình và sẵn sàng đối thoại, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu phát triển của DN. Thành phố cũng thành lập Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; thành lập đường dây nóng của UBND thành phố để tiếp nhận và xử lý nhanh những kiến nghị, phản ánh của DN, nhà đầu tư. Ngoài ra, để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN, theo ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Cần Thơ: Thành phố đã đẩy mạnh cải cách hành chính; triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính Nhà nước; nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ. “Các cơ quan chức năng thành phố rút ngắn thời gian đăng ký thành lập DN giảm từ 5 ngày xuống còn 3 ngày; thời gian cấp giấy phép xây dựng trong các khu chế xuất và công nghiệp rút ngắn còn 10 ngày; cấp giấy phép tại Sở Xây dựng rút ngắn còn 15 ngày so với quy định là 30 ngày…”, ông Hồng thông tin.

leftcenterrightdel
Kiểm tra chất lượng thịt cá thát lát sau quá trình chế biến tại Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N, TP Cần Thơ. (Ảnh: THÚY AN)

Đối với những DN trong giai đoạn ươm tạo ý tưởng khởi nghiệp, vai trò hỗ trợ từ ngành chức năng là rất quan trọng. Hiểu được vấn đề này, thời gian qua, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc (KVIP) có nhiều chính sách ưu đãi cho DN trong giai đoạn ươm tạo. Ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc KVIP nói: “Để hỗ trợ DN khởi nghiệp, KVIP đã hỗ trợ chi phí đào tạo đối với cán bộ và công nhân của DN ươm tạo; hỗ trợ chi phí mua thiết bị, vật tư phục vụ nghiên cứu ươm tạo cho các dự án khởi nghiệp; đồng thời miễn thuế nhập khẩu đối với trang thiết bị phục vụ ươm tạo trong nước chưa sản xuất được…”.

Ông Phạm Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N nhận xét: “KTTN được Đảng, Nhà nước xác định là động lực phát triển kinh tế. Đây là bước đột phá rất lớn tạo điều kiện để KTTN phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả của việc phát triển không chỉ phụ thuộc vào cơ chế mà vấn đề quyết định nằm ở tính năng động của từng DN. Hay nói cách khác, DN không chỉ cứ "ngồi chờ" cơ chế...".

THÚY AN - NAM HƯƠNG