Những ngày giữa tháng 4, ở TP Hồ Chí Minh, ngành điện lực triển khai đồng loạt kiểm tra, giám sát lưới điện. Giữa trưa nắng gay gắt, các nhân viên điện lực phải làm việc với máy đo nhiệt kiểm tra từng mối nối, đo dòng, áp tại các trạm, đường dây nhằm phát hiện sớm các sự cố, bảo đảm an toàn lưới điện. Khi có sự cố, lực lượng phản ứng nhanh sẽ tập trung tái lập cung cấp điện cho khách hàng trong thời gian không quá 2 giờ đồng hồ. Hoạt động giám sát lưới điện gắn liền với đánh giá, dự áp, lập các phương án chi tiết cung cấp điện dự phòng cho từng khu vực; triển khai tuyên truyền tiết kiệm điện...

Theo Tổng công ty Điện lực miền Nam, không riêng tại TP Hồ Chí Minh, tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam đều đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, bảo đảm an toàn lưới điện mùa khô vì đây là giai đoạn có nhu cầu sử dụng điện tăng cao, dễ gây thiếu hụt, gián đoạn nguồn điện cung cấp. Những tháng đầu năm 2018, dù chưa đến cao điểm mùa khô ở Nam Bộ, nhưng do thời tiết nắng nóng đẩy mức tiêu thụ điện tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng trong tháng 3-2018, sản lượng điện nhận tăng 10,53% so với cùng kỳ với mức bình quân ngày gần 196 triệu kWh/ngày (cao hơn so với sản lượng bình quân ngày của 3 tháng đầu năm 2018, ở mức 177 triệu kWh/ngày). Dự báo năm nay mùa khô kéo dài, nên nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng tới. Đáng kể nhất là các tỉnh công nghiệp phát triển mạnh, như: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ... có thể tăng sản lượng điện trên 11%. Trong tháng 4-2018, dự báo tổng sản lượng điện nhận khoảng 5,9 tỷ kWh.

leftcenterrightdel
Nhân viên điện lực TP Hồ Chí Minh kiểm tra lưới điện phục vụ mùa khô 2018.

Trước những thách thức lớn về bảo đảm cung ứng và an toàn lưới điện trong mùa khô năm nay, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã triển khai nhiều giải pháp chủ động: Duy trì hoạt động của tổ điều hành cung cấp điện, báo cáo định kỳ tình hình cung cấp điện cho ban chỉ đạo cung cấp điện địa phương và phối hợp xử lý sự cố; xác định sản lượng điện tiêu thụ của ngành sản xuất kinh doanh để có điều tiết hợp lý, triển khai chương trình tiết kiệm điện… Tổng công ty Điện lực miền Nam đã yêu cầu các công ty điện lực tại các địa phương xây dựng phương án giám sát sử dụng nguồn điện để kịp thời điều tiết hợp lý, huy động nguồn phát riêng cho khách hàng sử dụng. Chẳng hạn, những khách hàng sản xuất thép và xi măng sử dụng điện năng nhiều, công ty điện lực phối hợp làm tốt công tác dự báo, giám sát cụ thể về nhu cầu sử dụng, khả năng tiết giảm để ứng phó với trường hợp có khả năng mất cân đối cung-cầu. Hiện, Tổng công ty Điện lực miền Nam đang gấp rút thi công, đóng điện 29 công trình lưới điện 110kV tại các địa phương phía Nam và các công trình đấu nối hạ cấp để tăng khả năng cung ứng nguồn điện.

Tại TP Hồ Chí Minh, địa bàn sử dụng nguồn điện lớn nhất phía Nam, có hơn 2,3 triệu khách hàng, ngành điện bảo đảm sản lượng điện cung cấp đạt gần 2.200 triệu kWh, mức bình quân ngày đạt 70,9 triệu kWh, tăng 8,67% so với cùng kỳ. Ông Phạm Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh cho biết: Bảo đảm được nguồn điện trong hai tháng cao điểm mùa khô vừa qua là nhờ ngành điện thành phố có hàng loạt biện pháp, trong đó tập trung điều tiết nguồn điện và đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng điện an toàn, hiệu quả. Ngành điện thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, tổ dân phố tổ chức tuyên truyền tư vấn, hướng dẫn sử dụng điện an toàn cho người dân, hộ sản xuất, kinh doanh; tổ chức chương trình “Cùng bạn sử dụng điện an toàn-tiết kiệm” tại các trường học, khu dân cư... Riêng mùa khô 2018, ngành điện thành phố đã xây dựng các kịch bản để điều hành, phân phối điện hợp lý trong điều kiện thiếu sản lượng. Thành phố duy trì dự phòng khoảng 43%, bảo đảm cấp điện chất lượng để cung cấp cho các công trình, đầu mối trọng điểm.

Bài, ảnh: TRUNG KIÊN - QUANG VINH