Tuy nhiên, trong bối cảnh một số thế mạnh của kinh tế Việt Nam như: Khai khoáng tiếp tục suy giảm; công nghiệp chế biến, chế tạo tuy tăng trưởng tốt nhưng chưa thực sự đột phá… thách thức cho nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất lớn. Chính vì vậy, đâu sẽ là điểm tựa của tăng trưởng kinh tế năm 2018?

Vai trò Nhà nước kiến tạo đã phát huy hiệu quả

Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam và triển vọng 2018: “Vững bước cải cách” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2017, trong bối cảnh GDP quý I xuống thấp nhất trong 3 năm qua thì đà phục hồi tăng trưởng trong quý III và quý IV để đưa con số GDP cả năm lên mức 6,81% khẳng định vai trò Nhà nước kiến tạo đã phát huy hiệu quả.

leftcenterrightdel
Sản xuất tại Công ty TNHH ô tô Trường Hải. Ảnh: PHAN TIẾN DŨNG

Điểm lại quyết tâm của Chính phủ trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh (KD), ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nêu rõ, đó là việc đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), mà điển hình là thương vụ thoái vốn ấn tượng tại Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). "Việc này thể hiện một cách dứt khoát quyết tâm của Chính phủ trong thu hẹp phạm vi hoạt động của DNNN, đúng như Thủ tướng đã nói: DNNN chỉ tập trung vào ngành nghề chiến lược"-ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh. Cùng với đó, việc các bộ, ngành đăng ký bãi bỏ, cắt giảm hàng loạt điều kiện KD, ngành nghề KD có điều kiện, tạo thuận lợi tối đa cho DN là hành động rất khác biệt so với trước đây. Mới đây nhất, Thủ tướng đã ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP cắt giảm 675 (tương đương 55%) điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương. 

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô (CIEM) phân tích, tăng trưởng 2017 không dựa nhiều vào các yếu tố về lượng như truyền thống trước đây. Điều này thể hiện ở sản lượng ngành khai khoáng năm 2017 giảm 7,1%, tăng trưởng tín dụng và đầu tư công không có nhiều đột biến. Chất lượng tăng trưởng đến từ nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là quá trình cải cách thể chế, tái cơ cấu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hiệu quả cải thiện môi trường KD tháo gỡ khó khăn cho khu vực DN; xuất khẩu và chất lượng tín dụng. “Năm 2017, ghi nhận sự cải thiện về chất lượng tín dụng khi nợ xấu giảm, phát hành trái phiếu giảm, giúp khơi thông dòng tín dụng cho DN. Điều hành tín dụng đều và có chất lượng, điều này có ý nghĩa hơn so với việc chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng một cách hành chính như trước đây”, ông Nguyễn Anh Dương khẳng định.

 Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với những cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư được Chính phủ quyết tâm theo đuổi kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động KD trong năm 2018. CIEM dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2018 ước đạt 6,58%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%. Thặng dư thương mại ở mức 1,1 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2018 so với bình quân năm 2017 là khoảng 3,74%.

Điểm tựa cho tăng trưởng vẫn là cải cách thể chế

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song các chuyên gia kinh tế cho rằng, diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2018 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố, như: Quá trình phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới vẫn chưa vững chắc; xu hướng bảo hộ dần phổ biến hơn; trả đũa thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp… Cùng với đó, kinh tế của Việt Nam đang ở giai đoạn có xu thế phục hồi, một số yếu tố đóng góp cho tăng trưởng năm 2017 chưa bền vững, nhiều vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để sẽ là lực cản đối với nền kinh tế. Điển hình như động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động; rủi ro từ nền kinh tế gia công, xuất khẩu hộ; lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao vẫn tiếp tục là vấn đề cản trở nền kinh tế. Trong khi nguồn vốn chi đầu tư công còn hạn chế, chi thường xuyên vẫn ở mức cao tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Do đó, yếu tố tích cực nhất cho tăng trưởng vẫn là cải cách thể chế, cải thiện môi trường KD. “Bước sang năm 2018, Chính phủ cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại”-ông Nguyễn Đình Cung gợi ý.

 Cũng nêu quan điểm về vấn đề này, mới đây tại tọa đàm công bố báo cáo kinh tế quý IV của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nêu vấn đề, Việt Nam sẽ cần sử dụng nhiều hơn nguồn nội lực của mình làm động lực cho tăng trưởng. Chính phủ cũng cần thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy.

VŨ DUNG