Các ý kiến chuyên gia tại diễn đàn cũng phân tích, dù đang có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhưng Việt Nam cũng luôn phải sẵn sàng cho mọi tình huống, kể cả những “cú sốc” đến từ ảnh hưởng bất lợi của kinh tế khu vực và thế giới.

Cùng tham dự diễn đàn còn có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương. Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với một số ban, bộ, ngành, địa phương và tổ chức quốc tế tổ chức.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên Đối thoại chính sách cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ hai. Ảnh: TTXVN .

Tăng trưởng và phát triển là cuộc đua đường dài

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những kết quả về phát triển kinh tế-xã hội quan trọng đạt được trong năm 2017 cần coi là cơ sở thành tựu giúp chúng ta tự tin hơn trong tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, tạo ra nền tảng vững chắc để kinh tế tăng trưởng cao trong dài hạn. Chia sẻ với quan điểm này của Thủ tướng, TS Vũ Thành Tự Anh (Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế, Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, nếu so sánh có thể thấy còn nhiều nước ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam thời gian đạt mức tăng trưởng cao không nhiều. “Nếu không thể duy trì tăng trưởng cao trong khoảng 3-4 thập niên thì rất khó đưa nền kinh tế gia nhập hàng ngũ nước phát triển. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, nước này đã đạt tốc độ tăng GDP gần 10% trong suốt 37 năm. Với Việt Nam, chúng ta từng đạt tăng trưởng 8,5% nhưng cứ khoảng 10 năm nền kinh tế lại gặp trục trặc, đến thời điển này khó có cơ hội lặp lại mức tăng GDP 7-8%/năm”, TS Vũ Thành Tự Anh cho biết. Trong điều kiện cơ cấu dân số vàng của Việt Nam đang dần qua đi, chi phí lao động ngày càng tăng cao, hoạt động sản xuất, gia công có thể chuyển qua nước khác hoặc thay thế bằng máy móc khi khoa học công nghệ phát triển, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng, không còn nhiều thời gian để thay đổi cơ cấu kinh tế, chuyển quỹ đạo tăng trưởng. “Theo tôi, quỹ thời gian của chúng ta chỉ còn 10-15 năm, do vậy, cần có những quyết sách kịp thời để thay đổi căn bản cơ cấu tăng trưởng kinh tế Việt Nam”, TS Vũ Thành Tự Anh bày tỏ.

Nhìn từ góc độ tích cực hơn, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, năm 2017 không chỉ mức tăng trưởng cao mà cách thức tăng trưởng cũng có những khác biệt. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng trong năm 2018, động lực sẽ đến từ tính thị trường và tính cạnh tranh cao hơn, bảo đảm cạnh tranh công bằng, bình đẳng, giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN). Đồng thời, cần thay thế cơ chế phân bố nguồn lực để nguồn lực được vận động, dịch chuyển trên phạm vi rộng của nền kinh tế.

Trong một số lĩnh vực cụ thể như thị trường vốn, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, tinh thần của DN vào đầu năm 2018 có sự đổi khác, nếu trước đây là tâm lý chờ đợi thì nay đã quyết liệt hơn trong mở rộng sản xuất kinh doanh. Khi kinh tế vĩ mô ổn định, DN phát triển, ngân hàng cũng phát triển, đồng thời, các ngân hàng cũng quyết liệt xử lý nợ xấu, qua đó, giúp thúc đẩy tăng trưởng của ngành ngân hàng nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Những thách thức để phát triển nhanh và bền vững

Ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie cho rằng: “Những thành tựu Việt Nam đạt được trong thời gian qua là điều tuyệt vời, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tạo ra nền kinh tế đầy năng lượng, cạnh tranh cao”. Theo ông John Kerry, bên cạnh duy trì tốc độ tăng trưởng thì cách thức để đạt được tăng trưởng cũng rất quan trọng, chúng ta không phải sống để làm việc mà làm việc để sinh sống nên phải có không khí sạch, trong lành, nói rộng hơn là chính sách phát triển bền vững.

Đối với chủ trương phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, đây là chủ trương xuyên suốt của Đảng ta, đồng thời, tiếp tục được nâng lên, không chỉ phát triển nhanh, bền vững mà còn theo mô hình phát triển bao trùm. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, Việt Nam muốn phát triển nhanh và bền vững phải bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia. Muốn làm được điều đó, quan trọng là xây dựng chính sách tài khóa và vận hành nền tài chính ngân sách theo hướng tích cực, lành mạnh, tiến tới từng bước cân đối thu chi, giảm bội chi, giảm nợ công, nâng cao hiệu quả đầu tư công, nhất là trong bối cảnh nợ công nước ta đang ở mức cao. Trong chính sách thuế phải bảo đảm vừa khuyến khích, thu hút đầu tư, vừa hạn chế sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước những thách thức trong việc làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình”. Nhắc đến những nhiệm vụ trong năm 2018, theo Thủ tướng, trước hết, mức tăng trưởng GDP phải phấn đấu vượt mức Quốc hội thông qua là 6,7%, cùng với đó là chất lượng tăng trưởng tăng lên, năng suất lao động xã hội cao hơn, chỉ số môi trường được cải thiện rõ rệt hơn, có chuyển biến mạnh mẽ về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của từng ngành, từng địa phương, mỗi DN.

Đánh giá sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, đang trở thành nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng với toàn cầu, là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực và thế giới, tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn, không được phép để quán tính của bộ máy phát triển dừng lại. Trong thời gian tới, cần kiên trì đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất và sáng tạo. Đặt vấn đề làm sao vừa phát triển kinh tế nhanh vừa bền vững trong khi hai mục tiêu này dường như mâu thuẫn với nhau, Thủ tướng nhắc đến việc tại diễn đàn này, các đại biểu đã chỉ ra 3 đòn bẩy, đó là năng lượng xanh, cải thiện năng suất lao động và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua quản trị rủi ro về tài chính, thương mại, đầu tư...

Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, để sẵn sàng đương đầu thách thức cần nâng cao năng suất lao động, nhất là năng suất lao động tổng hợp, đi cùng với đó là áp dụng biện pháp khoa học công nghệ, nhất là các giải pháp của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Vấn đề quan trọng là tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong từng cấp, từng ngành, từng DN để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực địa phương và từng sản phẩm. Thủ tướng cũng nhắc đến yêu cầu tiếp tục giảm chi phí, từ chi phí đầu tư công đến chi phí cho DN để sản phẩm cạnh tranh tốt hơn. Nêu bật yêu cầu cải cách thể chế, Thủ tướng đánh giá, xây dựng thể chế phù hợp sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn, tốc độ cao hơn trong thời gian tới để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.

ĐỖ MẠNH HƯNG