Tuy nhiên, sự chuyển dịch này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp, khiến việc phát triển vùng chuyên canh, nguyên liệu đang gặp không ít khó khăn. Để giữ chân người lao động (NLĐ) trong lĩnh vực nông nghiệp, một số địa phương đang áp dụng không ít giải pháp. Tuy nhiên, cần một giải pháp tổng thể mang tính quy mô mới có đủ khả năng giải quyết được vấn đề này.

Việc làm không ổn định khiến người lao động rời quê

Có dịp đi tìm hiểu về lao động và việc làm ở một số vùng nông thôn những ngày này sẽ rất ít gặp người trong độ tuổi lao động còn ở địa phương. Thu nhập thấp, công việc không phù hợp và người sử dụng lao động chỉ mang tính thời vụ khiến đa số NLĐ rời quê đến những địa bàn có công việc tốt và thu nhập ổn định.

Tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), nơi có cánh đồng Mường Lò lớn thứ hai ở miền núi phía Bắc (chỉ sau cánh đồng Mường Thanh của tỉnh Điện Biên) có khá nhiều vấn đề đặt ra đáng suy nghĩ. Là vùng đất rất thích hợp với các loại cây trồng, như: Chè, quế, cây ăn quả và cây lấy gỗ... tuy nhiên, thiếu hụt nhân công lao động đang là vấn đề khó khăn trong phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Ông Phạm Lò Tuấn Tuông, Giám đốc Công ty Cổ phần KST Việt Nam cho biết: "Tình trạng thiếu nhân công lao động ở Nghĩa Lộ xảy ra từ nhiều năm nay. Nếu vào thời vụ thu hoạch cam, quế, chè... thì khó khăn lớn nhất đối với công ty là tìm NLĐ. Chúng tôi đã nâng giá thuê nhân công lên khá cao, nhưng vẫn không đủ sức giữ chân được NLĐ".

Quả thật, tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy: Lao động ở nông thôn bây giờ giá thuê tương đối cao, từ 200.000 đồng/ngày trở lên. Mặc dù đây là mức giá khá tốt, tuy nhiên chủ sử dụng lại chỉ thuê theo thời vụ. Bình quân, NLĐ chỉ làm việc cho các doanh nghiệp ở nông thôn, hoặc lao động trong lĩnh vực nông nghiệp với khoảng thời gian từ 4 đến 5 tháng/năm. Vì thế, NLĐ không thể yên tâm, gắn bó với doanh nghiệp, do hơn nửa năm họ không có việc làm. Ngược lại, khi đến các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... NLĐ tìm được việc làm thường xuyên, cùng mức thu nhập ổn định. Ông Tuông dẫn chứng: "Nếu cả vợ chồng cùng đi làm công nhân ở khu công nghiệp tại những thành phố lớn thì mỗi tháng cũng có thu nhập hơn 10 triệu đồng. Trừ chi phí sinh hoạt họ còn tiết kiệm được đôi chút; tính ra thu nhập vẫn ổn định hơn lao động ở quê".

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tình trạng NLĐ rời vùng nông thôn ra thành phố làm việc khá phổ biến. Chúng tôi có dịp khảo sát tại TP Cần Thơ trong chuyến công tác mới đây. Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho rằng: “Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 40.000ha mía, nên mỗi năm cần khá nhiều lực lượng lao động, nhất là thời điểm thu hoạch rộ vụ mía với diện tích lớn. Do thiếu nhân công thu hoạch mía nên ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của các nhà máy. Không ít nhà máy rơi vào tình cảnh bị động, bởi không đủ sản lượng mía để hoạt động. Ngoài ra, do kéo dài thời gian thu hoạch nên cây mía bị “neo” trên đồng quá lâu, làm giảm chất lượng… thiệt trăm bề”.

leftcenterrightdel
Nông dân huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Thiếu những giải pháp đồng bộ

Theo ông Lê Văn Lương, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái: Giải pháp quan trọng nhất là phải bố trí việc làm thường xuyên cho NLĐ ở nông thôn. Các doanh nghiệp trên địa bàn muốn giữ chân được NLĐ phải tạo việc làm cho họ thường xuyên và có thu nhập ổn định. "Hiện nay, tỉnh Yên Bái đã có định hướng và yêu cầu các doanh nghiệp nông nghiệp phải sản xuất theo chuỗi hàng hóa, từ khâu nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu để NLĐ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tính đến việc nâng cao thu nhập, phúc lợi cho NLĐ. Một yếu tố quan trọng là áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong lao động sản xuất để NLĐ có trình độ tìm được việc làm phù hợp ngay tại địa phương", ông Lương nói. 

Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Do nhu cầu dịch chuyển lao động nên thời gian qua việc thiếu hụt lao động nông nghiệp khá lớn. Một trong những giải pháp khắc phục là tiến hành cơ giới hóa trên đồng ruộng nhằm giảm bớt lực lượng lao động tay chân. Song, vấn đề cơ giới hóa chỉ phát triển tương đối nhanh trong sản xuất và thu hoạch cây lúa; trong khi không ít cây trồng khác thì chưa thực hiện nhiều được. Nhiều quốc gia trên thế giới đã cơ giới hóa khâu trồng mía, thu hoạch mía… nhưng thực tế ở nông thôn nước ta rất khó cơ giới hóa, bởi quá nhiều kênh mương và diện tích canh tác manh mún.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần xây dựng mô hình “khu vườn mẫu lớn” cho cây ăn quả. Cây lúa đã có “cánh đồng mẫu lớn” thì vườn cây cũng nên nghiên cứu làm theo nhằm canh tác theo hướng hiện đại và giảm lực lượng lao động phổ thông, thu hút lao động có chuyên môn, tay nghề cao. Làm được điều này, các địa phương cần chọn ra loại cây thế mạnh, quy hoạch lại những khu vườn chuyên canh diện tích lớn, nông dân liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ… Có như vậy sẽ nâng được chất lượng và năng suất cây ăn quả; đồng thời bảo đảm sản lượng để xuất khẩu quanh năm. Khi có sản phẩm xuất khẩu quanh năm, NLĐ sẽ yên tâm gắn bó với quê hương, với đồng ruộng.

Trong lúc các địa phương vẫn loay hoay với vấn đề cơ giới hóa trong nông nghiệp thì ở Sơn La đã hình thành những tổ hợp tác, hợp tác xã… chuyên làm thuê trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La), mấy năm nay xuất hiện mô hình Tổ dịch vụ làm nông nghiệp thuê. Trong đó, Hợp tác xã Thành Công là một điển hình. Theo đó, người dân có phương tiện sản xuất, như: Máy xới, máy bơm, máy cắt lúa… hoặc nhân lực tự nguyện tham gia hình thành các tổ dịch vụ chuyên sâu. Tổ dịch vụ không chỉ sản xuất rau, củ, quả, hoa cao cấp mà còn nhận khoán của người nông dân trong xã từ làm đất, bón phân, thu hoạch, vận chuyển… Đây được coi là một trong những giải pháp khả thi có thể giữ chân được NLĐ.

Hiện, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện một số cách làm hay và rất sáng tạo ở từng địa phương để NLĐ gắn bó với nông nghiệp. Tuy nhiên, từ những mô hình đó, cần nghiên cứu để có một giải pháp tổng thể ở phạm vi lớn hơn mà các địa phương có thể vận dụng. Giải pháp đó cần sự chung tay của nhiều địa phương và các bộ, ngành mới đủ khả năng giải quyết.

HOÀNG NHƯỠNG