Tiết kiệm thời gian cho khách hàng

 Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nay các tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức trung gian thanh toán đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và phục vụ khách hàng tốt hơn. Các ứng dụng số hiện nay cũng giúp đánh giá, phân loại khách hàng và tích hợp nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong các lĩnh vực để ngân hàng có đủ thông tin đưa ra quyết định giải ngân. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền...), nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ hơn 90% giao dịch thực hiện qua kênh số.

leftcenterrightdel

Cán bộ ngân hàng hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ máy giao dịch tự động của BIDV. Ảnh: VĂN HẢ

Tiên phong trong chuyển đổi số, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã cho ra mắt hệ thống Open API. Đây là giải pháp ngân hàng mở giúp hệ sinh thái số ngân hàng được lan tỏa mạnh mẽ, đón đầu xu thế thị trường và là nền tảng để phát triển các dịch vụ tài chính mới trong tương lai. Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Ban Chính sách sản phẩm bán buôn BIDV chia sẻ: "Thời gian tới, BIDV tiếp tục mở rộng các gói API mới cho các dịch vụ tín dụng, tài trợ thương mại, bảo lãnh, tài trợ chuỗi cung ứng... Ngoài ra, khách hàng có thể tiếp cận các sản phẩm vay không tài sản bảo đảm với chức năng giải ngân trực tuyến nhờ thông tin dòng tiền khách hàng trên các dịch vụ ngân hàng tích hợp trên chính phần mềm mà khách hàng sử dụng hằng ngày (qua điện thoại thông minh, máy tính)".

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), hoạt động quản trị rủi ro trên hành trình số đạt được nhiều kết quả tích cực khi triển khai thành công nền tảng cho vay trên kênh số dành cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Hệ thống sẽ thực hiện tự động việc tra cứu thông tin doanh nghiệp, các tiêu chí về điểm tín dụng và chấm điểm không có sự tác động của con người. Từ đó tăng tốc độ xử lý tới 9 lần so với quy trình truyền thống, khách hàng có thể nhận được phê duyệt khoản vay trong vòng 4 giờ. Với khách hàng cá nhân, MSB cho phép tự động hóa mô-đun thu nhập, tra cứu 224 tiêu chí điểm tín dụng chỉ trong 3 phút nhằm nhanh chóng đưa ra quyết định phê duyệt, đồng thời phát hiện sớm rủi ro, dự báo quá hạn và cảnh báo sớm. Trên cơ sở đó, MSB đã thực hiện thành công việc số hóa toàn bộ quá trình cấp tín dụng (thế chấp và tín chấp) mảng khách hàng doanh nghiệp, nâng tỷ lệ khách hàng trải nghiệm sản phẩm này trên kênh số lên 122%, điểm hài lòng khách hàng đạt 80,2/100. Kết quả, đã có gần 5.000 khách hàng được cấp tín dụng trực tuyến với gần 52.000 tỷ đồng hạn mức tín dụng được cấp và gần 1.000 tỷ đồng hạn mức được cấp cho khách hàng trên các nền tảng đối tác.

Nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã hợp tác cùng đối tác MISA là công ty hàng đầu Việt Nam về giải pháp phần mềm quản lý (kế toán, bán hàng, nhân sự...). Qua đó, Techcombank đã triển khai giải pháp vay vốn hoàn toàn trực tuyến, cấp hạn mức thành công hơn 5.000 tỷ đồng cho hơn 2.800 khách hàng doanh nghiệp.

Có thể mở rộng việc vay tiền không cần tài sản bảo đảm

Việc đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực vay vốn mang lại bước tiến lớn cho cả ngân hàng và khách hàng vay vốn, giúp tối ưu hóa thời gian giao dịch. Nếu như trước đây, để tiếp cận vốn vay từ ngân hàng thì khách hàng phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan cho nhân viên tín dụng, bao gồm các loại hồ sơ chứng minh: Nhân thân; nơi cư trú; công việc; thu nhập. Sau đó phải chờ phê duyệt tín dụng tại chi nhánh hoặc phê duyệt tín dụng tập trung tại hội sở. Đến khi có quyết định giải ngân thì khách hàng phải chờ ít nhất một tuần, có khi hàng tháng. Hiện nay, nhờ sự hỗ trợ của kỹ thuật số nên quá trình vay vốn đã trở nên đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều.

Theo nhận định từ các chuyên gia tài chính, bên cạnh việc cho vay có tài sản bảo đảm thì việc cho vay tín chấp dựa trên kiểm soát dòng tiền ra, vào của doanh nghiệp cũng rất khả thi. Thực tế cho thấy, rất ít doanh nghiệp vay 500-700 triệu đồng mà vi phạm pháp luật do không trả nợ. Thông qua quá trình số hóa, ngân hàng dễ dàng nắm được nguồn tài chính của doanh nghiệp nhờ kiểm soát số dư tài khoản mở tại ngân hàng, chi trả lương, thanh toán quốc tế, xuất nhập khẩu... Từ đó là căn cứ để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, kết hợp với thẩm định hiệu quả phương án kinh doanh của doanh nghiệp hơn là chỉ chú trọng việc cho vay có tài sản bảo đảm. Ngoài ra, số hóa quá trình vay vốn cũng góp phần hạn chế tiêu cực trong hoạt động tín dụng truyền thống như: Cố tình làm sai lệch hồ sơ, chi % hoa hồng để được vay vốn từ ngân hàng... do hạn chế sự can thiệp, tác động của con người khi thẩm định hồ sơ vay vốn.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel

Khách hàng giao dịch tại BIDV Ảnh: VĂN HẢI

Bên cạnh việc số hóa vay vốn của ngân hàng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng đưa ra nhiều giải pháp hữu ích. Cụ thể, nhằm gia tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hệ thống Thông tin FPT IS phát triển Giải pháp quản lý khoản vay toàn trình Lendvero. Giải pháp Lendvero ra đời trong bối cảnh hoạt động cho vay bị ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, thủ tục vay có quy trình phức tạp, mất nhiều thời gian xét duyệt dẫn đến không ít trường hợp buộc phải vay tín dụng đen.

Về phía ngân hàng hay các TCTD lại không thể hạ được chuẩn tín dụng do phải bảo đảm an toàn hệ thống. Việc triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù cũng còn một số khó khăn. Do đó, giải pháp Lendvero hướng tới mục tiêu tháo gỡ toàn vẹn bài toán vay tiêu dùng từ quá trình khởi tạo khoản vay cho tới thu hồi nợ giữa TCTD với khách hàng trên nền tảng duy nhất. Trong nghiệp vụ khởi tạo khoản vay, Lendvero sẽ tích hợp toàn diện nghiệp vụ thẩm định với các phần mềm vệ tinh trên nền tảng, nhờ đó quy trình thực hiện được cập nhật trực quan, thời gian khởi tạo ước tính giảm từ 40 phút còn 5 phút. Trong nghiệp vụ thu hồi nợ, dựa trên dữ liệu được thống kê trước đó, hệ thống sẽ phân tích và báo cáo để giúp tổ chức theo dõi các số liệu như: Tỷ lệ thu hồi, độ cũ của các khoản nợ tồn đọng bằng công nghệ mới nhất kết hợp AI (trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn) và sự am hiểu về nghiệp vụ này trong TCTD. Nhờ vậy, tổ chức sẽ hoạch định danh sách, chương trình thu hồi cụ thể, phù hợp với từng khách hàng.

Mặc dù cho vay trực tuyến đem lại nhiều thuận lợi cho khách hàng, nhưng hiện tại các khoản vay không tài sản bảo đảm mới dừng ở mức khoảng 200 triệu đồng. Thông qua việc kiểm soát dòng tiền của cá nhân, doanh nghiệp thì các ngân hàng hoàn toàn có thể nâng hạn mức cho vay lên con số cao hơn. Từ đó phục vụ tốt hơn nhu cầu vay vốn với giá trị lớn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và khách hàng cá nhân như: Vay đầu tư mở rộng sản xuất-kinh doanh, vay mua nhà, vay mua ô tô, sửa nhà...

NGUYỄN ANH VIỆT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.