Tổn thất sau khai thác 15-25%

Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, ở nước ta có 620 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, còn có hơn 7.525 cơ sở chế biến nhỏ, hộ gia đình, các làng nghề thủy sản, mỗi năm chế biến khoảng 330.000 tấn sản phẩm với giá trị 7.200 tỷ đồng và sử dụng đến 40.000 lao động. Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, nghề cá ở nước ta hiện vẫn là nghề cá nhân dân, công nghệ khai thác, bảo quản còn thủ công và chưa đạt chất lượng; tổ chức sản xuất chưa hiệu quả và thiếu tính bền vững, chuỗi liên kết còn thiếu. Đặc biệt, công tác xử lý cá trước khi bảo quản và bảo quản cá trên tàu còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Việc chế biến hàng thủy sản nội địa còn nhiều vấn đề, như: Công nghệ và thiết bị thô sơ, lạc hậu, chưa có nhiều cải tiến; chất lượng sản phẩm thiếu kiểm soát....

leftcenterrightdel
Sơ chế hải sản sau khai thác tại một bãi biển ở TP Nha Trang (Khánh Hòa).

Tìm hiểu thực tế tại Khánh Hòa, các tàu khai thác chủ yếu áp dụng các phương pháp bảo quản lạnh bằng nước đá, bảo quản bằng muối ăn, phương pháp sấy khô. Các thiết bị và công cụ hỗ trợ cho công đoạn này đang rất lạc hậu, thô sơ. Không ít tàu chưa được trang bị các thiết bị và công cụ hỗ trợ bảo quản hoặc có, nhưng lại thiếu đồng bộ với máy móc và thiết bị khác nên hiệu quả chưa cao.

Cũng bởi việc chế biến và bảo quản hải sản sau khai thác chưa được tốt, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch. Trung bình sau khai thác tổn thất khoảng 15-25%. Theo văn bản thông báo hoặc từ website của các cơ quan thẩm quyền những nước nhập khẩu, trong năm 2017, có 50 lô hàng thủy sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam bị các thị trường cảnh báo không bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Giải pháp nào?

Theo ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Hiện, vấn đề lao động, trình độ và tổ chức đào tạo lực lượng cho nghề khai thác, chế biến, bảo quản hải sản còn bất cập. Tình trạng tranh chấp lao động, thiếu hụt lao động vẫn phổ biến. Do đó, cần có chính sách đào tạo, tập huấn cho lao động tham gia khai thác trên biển để phù hợp với vận hành phương tiện, trang bị hiện đại. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động khai thác hiện nay xuống cấp, ảnh hưởng đến khả năng cập bến và vận chuyển sản phẩm khai thác lên bờ.

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định cho rằng: Khó khăn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp khai thác, chế biến hải sản là vấn đề xác nhận nguyên liệu thủy sản và cung cấp nhật ký khai thác. Việc quản lý nhật ký khai thác của các chủ tàu còn nhiều bất cập, do đó kiến nghị các cơ quan quản lý tại địa phương cần thu thập và cung cấp cho các doanh nghiệp khi xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác.

Để giải quyết những bất cập trong bảo quản, chế biến hải sản, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương cần thực hiện dựa trên 3 trụ cột là: Khai thác theo chuỗi khép kín; tăng cường khâu chế biến sâu gắn với thị trường và ứng dụng khoa học, công nghệ để phát triển nuôi trồng hải sản. Cần đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành thủy sản, cả về quản lý lẫn người làm việc trên tàu, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ để đào tạo, hướng dẫn ngư dân vận hành các trang thiết bị hiện đại vào khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu để chế biến sâu nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất; đối với ứng dụng khoa học, công nghệ cần rà soát cập nhật các tiến bộ mới nhất. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu Tổng cục Thủy sản có trách nhiệm rà soát tổng hợp các tiến bộ khoa học, công nghệ để cung cấp thông tin phổ biến đến từng doanh nghiệp, người dân nắm rõ và áp dụng vào sản xuất. Trong đó, tập trung nghiên cứu rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các quy định trong lĩnh vực thủy sản và Luật Thủy sản 2017.

Bài và ảnh: VĂN THI