Chiều 10-11, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Văn Bình.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định cần thiết phải xây dựng Luật điều chỉnh riêng để tạo cơ sở pháp lý áp dụng đối với mô hình phát triển mới tại 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, trong những năm gần đây, việc khai thác các tiềm năng tĩnh của nền kinh tế đang dần tới hạn và sức hút của các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao sau 25 năm phát triển giảm dần, thiếu động lực phát triển đột phá. Trong khi đó, từ năm 1942, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã xây dựng và phát triển khá thành công các mô hình khu thương mại tự do, đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính, thành phố tự do... Các đặc khu kinh tế này đã và đang trở thành đầu tàu phát triển, có tính lan tỏa và tiếp tục được hoàn thiện, thành lập mới ở trình độ cao hơn. "Các đơn vị Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là những đơn vị có vị trí chiến lược và có tiềm năng phát triển một số ngành, nghề có thể cạnh tranh quốc tế", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Hình thành khu vực tăng trưởng cao, có môi trường sống hiện đại

Dự án luật được xây dựng dựa trên mục tiêu tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển ba đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc; hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới, có môi trường sống hiện đại; tạo ra được giá trị mới và gia tăng cao; nâng cao thu nhập bình quân đầu người và đóng góp cho ngân sách nhà nước; tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi. Sau đó, từ thực tiễn phát triển của các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có thể xem xét nhân rộng trong cả nước những thể chế, chính sách và mô hình quản lý mới, hiệu lực, hiệu quả. 

leftcenterrightdel

 Phối cảnh thiết kế quy hoạch đặc khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh/Ảnh minh họa/vtv.vn.

Dự thảo luật xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi tại 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt trên. Theo đó, bãi bỏ những hạn chế về điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề ưu tiên phát triển; cho phép lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán quốc tế đối với hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài; cho phép nhà đầu tư được lựa chọn giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh, trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài tại Tòa án nước ngoài...

Bên cạnh đó, dự thảo luật còn mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở. Cụ thể, cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án trong một số lĩnh vực và các ngành, nghề ưu tiên phát triển; cho phép tổ chức kinh tế được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam...

Đáng chú ý, dự thảo luật cũng có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai vượt trội quy định hiện hành và cạnh tranh được với các đặc khu kinh tế trên thế giới, để thu hút đầu tư vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển.

Cơ cấu đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt

Về tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương và các cơ quan khác của Nhà nước tại đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án để xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1, Chính phủ đề xuất các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt không phải là cấp chính quyền địa phương. Vì thế sẽ không có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, mà thay vào đó là thiết chế Trưởng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, các cơ quan chuyên môn và Trưởng khu hành chính. Trưởng khu sẽ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, sẽ thực hiện các chức năng quản lý nhà nước, có quyền quyết định tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính kinh tế xã hội trên địa bàn. Theo phương án này, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được tổ chức thành các khu hành chính trực thuộc và có trưởng khu hành chính là người đại diện hành chính của Trưởng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Phương án 2, do Quốc hội quyết định thành lập, tổ chức chính quyền địa phương một cấp tại đặc khu gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Đặc khu được chia thành các khu hành chính trực thuộc, không tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã mà tổ chức Văn phòng khu hành chính với tính chất là cơ quan hành chính đại diện của Ủy ban nhân dân đặc khu trên địa bàn.

Chính phủ cho rằng, phương án 1 là sự thử nghiệm đổi mới bộ máy nhà nước theo Nghị quyết số 11-NQ/TW, tạo sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; bảo đảm tổ chức bộ máy và nhân sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phù hợp với yêu cầu đặc biệt về phát triển kinh tế-xã hội của đặc khu. Tuy nhiên, có thể dẫn đến lạm quyền nếu không có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ.

Phương án 2 được đánh giá không xáo trộn nhiều so với mô hình hiện nay nhưng chưa có đột phá, không tương thích với tính chất đặc biệt của đặc khu. Tổ chức bộ máy chính quyền vẫn chủ yếu làm việc theo chế độ tập thể, thủ tục phức tạp, rườm rà, chưa tiệm cận các kinh nghiệm tốt trên thế giới.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định để trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập ba đơn vị trên đồng thời với thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 5.

Làm rõ vấn đề bảo đảm an ninh quốc phòng

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ đánh giá một cách tổng thể, kỹ lưỡng hơn về các chính sách áp dụng tại các mô hình khu kinh tế trong những năm qua, từ đó làm rõ hơn cơ sở thực tiễn của việc quy định các cơ chế, chính sách mới, đặc thù, vượt trội cho các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Bên cạnh đó, trong điều kiện ngân sách hiện nay, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn về khả năng hỗ trợ của Trung ương đối với các đặc khu kinh tế để bảo đảm sự thành công của mô hình này.

Đặc biệt, Ủy ban Pháp luật cho rằng, các địa bàn dự kiến thành lập 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt đều là những nơi có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh. Do đó, đề nghị làm rõ vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và tác động của tình hình an ninh, chính trị trong khu vực đến sự phát triển ổn định của các đơn vị này.

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt quy định riêng về ngành, nghề ưu tiên phát triển đối với từng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt như sau:

Vân Đồn: Phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, công nghiệp văn hóa; dịch vụ hàng không và hậu cần hàng không; dịch vụ thương mại và mua sắm.

Bắc Vân Phong: Phát triển các ngành công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển hàng hóa và hành khách quốc tế; dịch vụ hậu cần cảng biển; du lịch nghỉ dưỡng, thương mại, tài chính.

Phú Quốc: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; hội nghị, triển lãm quốc tế, dịch vụ thương mại và mua sắm; dịch vụ quản lý tài sản; dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao; công nghệ sinh học.


THẢO NGUYỄN