Những “người thầy” đầu tiên của chiến sĩ mới (CSM) chính là tiểu đội trưởng, trung đội trưởng. Do đó, đội ngũ này càng chuẩn mực, càng nhiều kinh nghiệm thì nền nếp tác phong của CSM cũng theo đó mà mau chuẩn mực và mau tiến bộ.

Nhớ lại cách đây mấy chục năm, buổi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến đơn vị mới đóng ở một vùng núi đồi trùng điệp phía bắc thì đã được tiểu đội trưởng hướng dẫn cho bài học đi rừng. Ấy là khi đi đường mòn vào rừng thì phải nhấc cao bàn chân lên, tác dụng là để không bị vấp vào rễ cây, mỏm đá. Rồi khi đi qua chỗ có nhiều cây lá lòa xòa thì phải lấy gậy khua lên trước để xua đuổi rắn rết, côn trùng và làm cho sương đọng trên lá không rơi vào người... Những điều tiểu đội trưởng hướng dẫn tưởng rất giản đơn, nhưng lại rất có ích đối với những CSM là người dưới xuôi như chúng tôi. Nhưng quan trọng hơn là chúng tôi đã cảm nhận được sự chân tình, chu đáo của người tiểu đội trưởng ngay từ buổi đầu tiếp xúc, từ đó nuôi dưỡng niềm tin vào người chỉ huy của mình và thêm yêu đơn vị.

leftcenterrightdel
Chiến sĩ mới học xếp gấp nội vụ. Ảnh:qdnd.vn.

Môi trường quân đội hiện nay đang còn rất mới lạ đối với CSM. Do đó, họ không thể tránh khỏi sự bỡ ngỡ. Nhiều chiến sĩ trước khi vào quân đội đã quen nếp sống ở gia đình, thức ngủ, ăn uống… đôi khi không theo giờ giấc nhất định. Nay họ phải làm việc, sinh hoạt theo giờ giấc chuẩn mực nên cảm thấy bị gò bó, dễ nảy sinh tư tưởng chán nản… Vì thế, sự gần gũi, thân ái của cán bộ đơn vị là rất cần thiết để giúp họ vượt qua “cái ngưỡng” ban đầu. Hơn nữa, sự bám nắm, cùng ăn, cùng ở với chiến sĩ, cũng là để nghe được, hiểu được tâm tư của bộ đội, kịp thời phát hiện những trắc trở trong tư tưởng, những hoàn cảnh đặc biệt của chiến sĩ, để có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Phương pháp hướng dẫn, rèn luyện bộ đội cũng cần tiến hành từng bước, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, để bộ đội tiếp nhận, trưởng thành dần dần và thấy tự tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Mọi hiện tượng rèn luyện gấp gáp, quyết liệt theo kiểu “liệu pháp sốc” đối với CSM là không cần thiết và đôi khi phản tác dụng. Do đó, từng cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp trung đội, tiểu đội cần lựa chọn đúng phương pháp huấn luyện, rèn luyện bộ đội, nhất là trong những ngày đầu họ bước vào quân ngũ.

Đối với các CSM cũng cần phải nhận thức rõ, việc chấp hành chế độ, quy định của đơn vị ngay từ ngày đầu, chính là tạo nền tảng để xây dựng tính kỷ luật, tự giác của quân nhân. Do đó, cần phải tích cực tìm hiểu, nắm bắt và chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ, quy định của đơn vị, đó chính là đã góp phần xây dựng đơn vị. Khi nào người chiến sĩ có nhận thức đúng về tính kỷ luật tự giác, nghiêm minh của quân đội thì sẽ thấy được sự tự do trong đó. Trên hành trình nhận thức ấy, các cán bộ từ tiểu đội trưởng trở lên cần phải luôn làm tròn vai trò người anh, người thầy, người chỉ huy để theo dõi giúp đỡ chiến sĩ.

TRẦN ANH TUẤN