Lãnh đạo Bệnh viện Hùng vương Gia Lai và cán bộ Quân y Quân đoàn 3 thăm, động viên bệnh nhân.

Trước đó, vào khoảng 6 giờ 30 phút ngày 19-8, bệnh nhân bị ong vò vẽ đốt số lượng nhiều, chủ yếu ở lưng, đầu, bụng và chân. Sau khi bị ong đốt bệnh nhân lơ mơ, vã mồ hôi, được xử trí 1/2 ống adrenalin (tiêm bắp) và 1 lọ methyl (tiêm tĩnh mạch) tại trạm xá của đơn vị, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Hùng vương Gia Lai để tiếp tục điều trị.

Khi nhập viện tại Bệnh viện Hùng vương Gia Lai, bệnh nhân tỉnh, đau đầu nhiều, đau nhức toàn thân kèm khó thở, có vết ong đốt ở chân, ngực, bụng, nhiều nhất ở phần đầu (đếm được khoảng 31 vết đốt). Lúc này, bác sĩ bệnh viện nhận thấy, tình hình của bệnh nhân hết sức nghiêm trọng có nguy cơ suy thận cấp, rối loạn đông máu, tổn thương đa tạng nên chỉ định bệnh nhân thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, tiến hành hội chẩn trực tiếp với Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, Giám đốc Y khoa Bệnh viện Hùng vương Gia Lai cùng các bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 (Cục Hậu cần, Quân đoàn 3).

Lãnh đạo Bệnh viện Hùng vương Gia Lai tặng quà cho bệnh nhân trước khi xuất viện. 

Bệnh nhân được chẩn đoán phản vệ mức độ nặng, rối loạn đông máu do ong vò vẽ đốt, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Hùng vương Gia Lai đã đưa ra chỉ định: Hồi sức tích cực để bù dịch, bài niệu, kháng histamin, corticoid, tiêm huyết thanh chống uốn ván (SAT) và lọc máu hấp phụ để loại bỏ độc tố do ong đốt.

Sau 3 ngày điều trị, lọc máu hấp phụ quả HA230, bệnh nhân dần ổn định, đến ngày điều trị thứ 5 bệnh nhân khỏe, ổn định, ăn được, tiêu tiểu bình thường… có chỉ định xuất viện ngày 22-8, theo dõi ngoại trú và hẹn tái khám sau 7 ngày.

Tin, ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.