Về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhi (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội) cho biết: Vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực nhi đã tiếp nhận và cứu sống một bệnh nhi 12 tuổi (trú tại huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Bệnh nhân được phát hiện đái tháo đường tuýp 1 khoảng 6 tháng nay, tuy nhiên, gia đình không tuân thủ điều trị cho trẻ.

leftcenterrightdel
Bác sĩ trao đổi với người nhà bệnh nhi mắc bệnh đái tháo đường. Ảnh: baotintuc.vn 

Trước khi vào viện hai ngày, bệnh nhi xuất hiện tình trạng mệt mỏi, khát nước, nôn nhiều, đau bụng, nhưng gia đình không cho bé đi thăm khám để điều trị. Đến khi trẻ xuất hiện tình trạng mệt nhiều, lơ mơ, gia đình mới đưa bé đến Bệnh viện. Tại Khoa Hồi sức tích cực nhi, bệnh nhi đã trong tình trạng vật vã, thở nhanh, mất nước, da tái nhợt. Ngay lập tức, bệnh nhân được các bác sĩ cấp cứu tích cực và cho làm các chỉ định cận lâm sàng cần thiết. Qua thăm khám và kết quả xét nghiệm, các bác sĩ nhận thấy đây là một trường hợp hôn mê nhiễm toan ceton trên bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 không tuân thủ điều trị với nồng độ đường máu rất cao 28mmol/l, cao hơn rất nhiều lần đường máu bình thường (4,5-6,4mmol/l), khí máu có tình trạng nhiễm toan nặng. Bệnh nhân đã được các bác sĩ cấp cứu tích cực, cân chỉnh đường huyết bằng liệu pháp truyền dịch qua tĩnh mạch trung tâm, duy trì insulin tĩnh mạch liên tục, điều chỉnh các rối loạn điện giải và thăng bằng kiềm toan. Thật may mắn, sau hơn 24 giờ điều trị, tình trạng bệnh nhân đã dần dần cải thiện, tỉnh táo hơn; đường huyết đã được kiểm soát tốt bằng insulin tiêm dưới da và khí máu đạt giới hạn bình thường. Sang ngày thứ 5 điều trị, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, đường huyết được điều chỉnh theo mục tiêu và dự kiến sẽ sớm xuất viện.

Đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em là bệnh lý nội tiết có tần suất ít gặp ở trẻ em, tuy nhiên, việc kiểm soát đường máu rất khó khăn. Việc gia đình không tuân thủ phương pháp điều trị sẽ gây ra các biến chứng nặng như hôn mê, mất nước có thể gây nguy hiểm tới tính mạng cho trẻ nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh khi phát hiện trẻ có dấu hiệu ăn nhiều, uống nhiều, gầy sút cân cần được thăm khám sớm để phát hiện kịp thời bệnh tiểu đường của trẻ. Các gia đình có con bị bệnh lý tiểu đường cần tuân thủ điều trị, tái khám định kỳ, có chế độ ăn uống khoa học, luyện tập thể thao thường xuyên để bảo đảm sự phát triển thể chất, duy trì chất lượng cuộc sống tốt nhất cho trẻ và tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra.

Các thắc mắc về sức khỏe xin gửi về Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng Biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn, kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735.

 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.