Dự báo đỉnh dịch có thể rơi vào tháng 9, tháng 10

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện toàn thành phố ghi nhận hơn 3.500 ca sốt xuất huyết (tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022) tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn. Trong số hơn 776 bệnh nhân SXH đang điều trị tại các bệnh viện có 8 ca nặng. Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức là nơi tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân nhất (khoảng 100 ca), tiếp đến là Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn.

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương dự báo, đỉnh dịch SXH năm 2023 có thể rơi vào tháng 9 và tháng 10 tới. Khi đó, số ca mắc SXH của Hà Nội có thể lên tới 19.000 ca bệnh. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội lý giải, điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự sinh sôi của muỗi truyền bệnh (mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động từ 26oC đến 32oC).

leftcenterrightdel
 Diệt bọ gậy, lăng quăng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Ảnh: THU TRANG

Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch và nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao, nhiều điểm vượt ngưỡng nguy cơ dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh. Cùng với đó, sinh viên các trường đại học, cao đẳng từ các tỉnh, thành phố bắt đầu về Hà Nội nhập học làm gia tăng số lượng đối tượng cảm nhiễm với bệnh. Hiện Thạch Thất và Thanh Trì là hai huyện có diễn biến dịch phức tạp với số ca bệnh nhiều nhất hiện nay. 

Ông Vũ Cao Cương chia sẻ, qua kết quả kiểm tra, giám sát công tác xử lý tại một số ổ dịch cho thấy, ổ dịch không được xử lý triệt để ngay từ đầu do thiếu lực lượng tham gia diệt bọ gậy. Thêm vào đó, kỹ năng diệt bọ gậy của đội xung kích chưa tốt, để sót nhiều ổ bọ gậy; ý thức của người dân trong phòng bệnh chưa cao, nhiều người chưa quan tâm đến các hoạt động phòng, chống dịch; chỉ số bọ gậy sống sau xử lý đều cao vượt ngưỡng nguy cơ. Trước đây, chu kỳ dịch SXH là 4-5 năm nhưng hiện nay đã không còn quy luật này, do đó, nếu không có những giải pháp quyết liệt, sẽ gia tăng hơn nữa các ca bệnh SXH trong thời gian tới.

Không chủ quan

PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, năm nay bệnh nhân SXH nhập viện sớm hơn mọi năm. Đáng chú ý, nhiều người bị sốt nghĩ là do mắc Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác chứ không nghĩ đến SXH.

Chỉ đến ngày thứ 4, 5, khi máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thấp, hoặc trên các bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý nền thì mới đến bệnh viện. Lúc đó bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử, một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, như: Men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu...

Do đó, PGS, TS Đỗ Duy Cường lưu ý người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán để phát hiện SXH sớm, từ đó các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không cần phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện.

Còn tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận khoảng 120 trẻ mắc SXH đến khám và điều trị, trong đó có hơn 50 bệnh nhi nhập viện điều trị, may mắn là hiện chưa có trường hợp nào tử vong. Qua những ca SXH của bệnh nhi, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới khuyến cáo, khi trẻ bị mắc SXH tuyệt đối không cho uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu.

Tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh. Tuyệt đối không dùng nhóm thuốc Ibuprofen hoặc Aspirin để hạ sốt cho trẻ, vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng...

Tích cực triển khai nhiều biện pháp

Để tăng cường hỗ trợ TP Hà Nội triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống SXH tại TP Hà Nội.

Cục Y tế dự phòng đề nghị Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tập trung chỉ đạo thành lập ngay đoàn công tác của Viện trực tiếp đi kiểm tra, giám sát, hỗ trợ TP Hà Nội về chuyên môn kỹ thuật phòng, chống SXH; phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng SXH và chủ động tham mưu cho Bộ Y tế trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch SXH tại TP Hà Nội...

UBND TP Hà Nội cũng đã có công văn yêu cầu các địa phương và tổ chức chính trị, hộ gia đình triển khai chiến dịch diệt bọ gậy, bảo đảm nguy cơ gây dịch SXH phải được kiểm tra, giám sát. Các bể, dụng cụ chứa nước, đồ phế thải là nơi sinh sản của muỗi phải được giám sát các hình thức tiêu diệt bọ gậy, lăng quăng theo hướng dẫn của ngành y tế.

Do hiện nay chưa có vaccine, việc phòng bệnh SXH vẫn chủ yếu là phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường kết hợp với biện pháp diệt các ấu trùng của muỗi như bọ gậy, lăng quăng. Sắp bước vào đầu mùa mưa, các địa phương cần tiến hành phun thuốc diệt muỗi tại những nơi có phát hiện ca bệnh, tránh dịch bệnh lan rộng. Các chuyên gia dịch tễ cũng khuyến cáo, hiện trên thị trường có nhiều hóa chất diệt muỗi, tuy nhiên người dân không nên tự mua về phun.

Nếu có nhu cầu diệt muỗi, người dân nên liên hệ với các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương, không sử dụng thuốc phun diệt muỗi không rõ nguồn gốc, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra tình trạng muỗi kháng hóa chất. Việc phòng bệnh SXH vẫn chủ yếu là phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường không cho muỗi đẻ trứng, kết hợp các biện pháp diệt bọ gậy, lăng quăng nên rất cần sự chung tay của cộng đồng. Chỉ cần không có nước đọng thì sẽ không có muỗi truyền bệnh.

HÀ VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.