Điều dưỡng-một trong các trụ cột của hệ thống chăm sóc sức khỏe

Tới thời điểm hiện nay, với 100 triệu dân, Việt Nam cần phải có 260.000 điều dưỡng, nhưng trên thực tế, theo khảo sát của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nước ta mới chỉ có 140.000 điều dưỡng. Như vậy, Việt Nam đang thiếu số lượng điều dưỡng rất nhiều.

leftcenterrightdel

Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) chăm sóc bệnh nhân. ẢNH: PHẠM LINH 

Tại công văn gửi các đơn vị y tế về việc tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế điều dưỡng, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Vương Ánh Dương khẳng định: “Năm 2024, Hội đồng Điều dưỡng Thế giới (ICN) đưa ra thông điệp hành động nhân Ngày Quốc tế điều dưỡng là: "Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta. Hiệu quả của chăm sóc điều dưỡng". Thông điệp này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào công tác điều dưỡng như một biện pháp chiến lược để mang lại lợi ích kinh tế và xã hội. Thông điệp này không chỉ đề cao giá trị của nghề điều dưỡng trong việc xây dựng một xã hội khỏe mạnh mà còn thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Thông điệp kêu gọi thay đổi quan niệm, chính sách hiện tại để nhận thức rõ hơn về lợi ích kinh tế mà đầu tư đầy đủ vào công tác điều dưỡng có thể mang lại, nhất là sau những bài học rút ra từ đại dịch Covid-19 và những thách thức toàn cầu khác như xung đột, khủng hoảng khí hậu, bất ổn tài chính”.

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, thông điệp này cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù điều dưỡng là một trong các trụ cột của hệ thống chăm sóc sức khỏe, tuy nhiên họ thường xuyên phải đối mặt với những hạn chế tài chính và đánh giá của xã hội còn thấp. Do đó, việc đầu tư chiến lược vào nghề điều dưỡng không chỉ là một nghĩa vụ đạo đức mà còn là một chiến lược kinh tế thông minh, nhằm mục đích xây dựng một tương lai bền vững hơn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu.

Cần quan tâm, đầu tư thỏa đáng

Bác sĩ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam chia sẻ, những năm qua, được sự quan tâm của Bộ Y tế và các địa phương, ngành điều dưỡng đã có những tiến bộ đáng tự hào. Trong vòng 30 năm, Việt Nam đã nâng cấp đào tạo điều dưỡng lên bốn cấp trình độ: Cao đẳng, đại học, thạc sĩ/chuyên khoa I và từ năm 2019 đã đào tạo tiến sĩ điều dưỡng trong nước. Chức năng và phạm vi hoạt động chuyên môn của điều dưỡng đã được mở rộng. Hệ thống quản lý điều dưỡng đã được thành lập từ Bộ Y tế tới các cơ sở y tế, các bệnh viện và tới tận các khoa, phòng. Người bệnh đã được thụ hưởng chăm sóc ngày càng có chất lượng.

leftcenterrightdel
Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp 

Năm 2020, trong báo cáo về tình trạng điều dưỡng toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra nhận định: “Điều dưỡng là một bộ phận sống còn (Vital part) của hệ thống y tế”. Trong tất cả các hệ thống y tế toàn cầu, điều dưỡng luôn là lực lượng cán bộ y tế đông nhất (59%). Theo Niên giám Thống kê Y tế 2020, Bộ Y tế công bố tỷ lệ điều dưỡng chiếm 39% nhân lực toàn ngành Y tế. Nếu tính cán bộ y tế trực tiếp với người bệnh, điều dưỡng chiếm gần 60%.

Nghiên cứu WHO công bố, 88% thời gian người bệnh của khoa chăm sóc tích cực (ICU) được tiếp xúc với nhân viên y tế là điều dưỡng. Trong báo cáo của WHO đã khẳng định dịch vụ do điều dưỡng hộ sinh cung cấp là một trong những trụ cột của hệ thống dịch vụ y tế. Đã có học giả nêu quan điểm “Không có bác sĩ thì không có bệnh nhân - không có điều dưỡng thì không có bệnh viện” do bởi dịch vụ điều dưỡng 24/24 giờ và 7/7 ngày trong tuần như nhau.

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe do điều dưỡng, hộ sinh cung cấp trực tiếp liên quan tới chất lượng khám, chữa bệnh và an toàn người bệnh, là xương sống của hệ thống dịch vụ y tế. Nhưng đầu tư cho lĩnh vực điều dưỡng, hộ sinh chưa tương xứng đang phổ biến ở khắp mọi nơi và ở mọi cấp của hệ thống y tế, ảnh hưởng tới chất lượng chăm sóc bệnh nhân, thiếu điều dưỡng người bệnh là người đầu tiên bị thiệt thòi. Thiếu điều dưỡng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng bạo hành trong y tế vì dịch vụ không được cung cấp kịp thời làm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bức xúc. “So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, công tác điều dưỡng ở nước ta cần phải tiếp tục được quan tâm đầu tư nhiều hơn để rút ngắn khoảng cách với điều dưỡng các nước”, bác sĩ Phạm Đức Mục cho biết.

THU HƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.