Vất vả Điều dưỡng Khoa Bệnh lây hô hấp và Hồi sức truyền nhiễm

Mỗi người điều dưỡng thường mang trọng trách nhiệm vụ khác nhau, nhưng với điều dưỡng của Khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức truyền nhiễm, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Viện LSCBTN), Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 có thể vất vả hơn khi tiếp xúc với những bệnh nhân nặng thường xuyên.

Khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức truyền nhiễm, Viện LSCBTN, Bệnh viện TWQĐ 108 được thành lập tháng 5-2015 với nhiệm vụ khám bệnh, thu dung, điều trị các bệnh truyền nhiễm lây đường hô hấp và truyền nhiễm, tới tháng 10-2023 tách thành hai khoa. Trong khoảng thời gian từ tháng 10-2023 tới nay hai khoa vẫn hỗ trợ nhau về mặt chuyên môn, đặc biệt lực lượng bác sĩ điều dưỡng vẫn tham gia trực hỗ trợ cả hai khoa.

leftcenterrightdel
Công việc hằng ngày của điều dưỡng Khoa Bệnh lây đường hô hấp - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Ảnh: Hương Lan

Với chức năng điều trị mặt bệnh truyền nhiễm cấp tính nặng xong đặc điểm của bệnh nhân truyền nhiễm không giống các chuyên khoa khác là một người bệnh có thể mắc rất nhiều bệnh mãn tính của các chuyên khoa khác nhau. Những năm gần đây mặt bệnh truyền nhiễm diễn biến hết sức khó khăn phức tạp, nhiều bệnh mới nổi và tái nổi, nhiều vi khuẩn đa kháng thuốc có những tên vi khuẩn nghe “rất hay” xong khi người bệnh mắc phải thì cũng là thách thức lớn với y học và các thầy thuốc, ví dụ như vi khuẩn: Elizabethkingia, vi khuẩn ăn thịt người Whitmore...

Đặc điểm người mắc bệnh truyền nhiễm thường diễn biến cấp tính, có thể nhanh chóng chuyển biến nặng, dẫn đến sốc, suy đa tạng hôn mê, thậm chí tử vong. Do vậy việc chăm sóc điều trị theo dõi người bệnh đặc biệt từ phía điều dưỡng là điều rất quan trọng chiếm tỉ lệ thành công trong điều trị người bệnh. 

Nhớ lại những ngày đầu tách khoa, khi đó dịch bệnh Covid-19 vẫn còn rải rác và tập trung ở một số người bệnh cao tuổi sức đề kháng kém, như trường hợp cụ ông L.V.H 110 tuổi (ở Phú Xuyên, Hà Nội). Tháng 12-2023, cụ L.V.H nhập Khoa Bệnh lây đường hô hấp, Bệnh viện TWQĐ 108 với chẩn đoán Covid-19 nhẹ có nguy cơ cao, khoa đã hỗ trợ thở oxy nồng độ cao. Những ngày sau đó điều dưỡng của khoa chăm sóc theo dõi tích cực hỗ trợ vệ sinh cá nhân ăn uống, ngày tiếp theo người bệnh diễn biến nặng hơn bệnh nhân được xuống đơn vị hồi sức truyền nhiễm. Tại đây người bệnh được chăm sóc tích cực, sau 12 ngày điều trị người bệnh đã đỡ giảm và được xuất viện về nhà.

leftcenterrightdel
Tận tình chăm sóc người bệnh. Ảnh: Hương Lan 

Không cho phép mình dừng lại

Hằng ngày điều dưỡng trong khoa ngoài việc thực hiện thuốc dịch truyền xét nghiệm theo y lệnh của bác sĩ, còn chăm sóc toàn diện về vệ sinh cá nhân ăn uống cho người bệnh. Thiếu tá QNCN Trần Văn Bá, Khoa Bệnh lây đường hô hấp, Viện LSCBTN, Bệnh viện TWQĐ 108 là người trực tiếp tắm gội và cho người bệnh ăn, chia sẻ: "Ở gia đình có khi tôi chưa bao giờ tắm gội cho ai, nhưng ở khoa này những nhiệm vụ như tắm gội cho bệnh nhân là việc làm thường xuyên không chỉ của tôi mà cả các điều dưỡng viên khác".

Tại Khoa Bệnh lây đường hô hấp và Khoa Hồi sức truyền nhiễm những ngày nghỉ lễ là số lượng người bệnh tăng lên rõ rệt, ngoài ra còn là những ca bệnh nặng nguy kịch. Những ngày lễ, điều dưỡng của khoa trực căng mình 24/24 giờ để điều trị chăm sóc tích cực cho người bệnh. Có đêm trực với 5 cái máy lọc, 6 cái máy thở. Khi đêm xuống vắng lặng thì những tiếng máy kêu càng rõ và thấy cường độ làm việc của đội ngũ điều dưỡng trực ở đây vất vả như thế nào. Mỗi ca trực, bữa ăn tối là sự vội vàng tranh thủ thay phiên nhau, khi thì bát mì tôm úp vội, khi chỉ là chiếc bánh mì pate, đảm bảo để đủ sức khỏe làm việc và hoàn thành ca trực an toàn. Sau mỗi ca trực đội ngũ điều dưỡng trực đêm rất mệt và mất nhiều sức song không một ai kêu ca, phàn nàn hay thấy nhụt ý chí.

leftcenterrightdel

Điều dưỡng Trần Văn Bá, Khoa Bệnh lây đường hô hấp gội đầu và động viên bệnh nhân. Ảnh: Hương Lan

Những đóng góp và sự hy sinh thầm lặng của các điều dưỡng tại Khoa Bệnh lây đường hô hấp và Khoa Hồi sức truyền nhiễm nói riêng, điều dưỡng Bệnh viện TWQĐ 108 nói chung đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều trị. Nhọc nhằn, áp lực là vậy nhưng với tình yêu nghề, điều dưỡng chúng tôi sẵn sàng hy sinh khoảng thời gian của riêng mình, chấp nhận những vất vả và luôn tận tình chăm sóc người bệnh bằng cả tấm lòng.

Thiếu tá QNCN NGUYỄN HƯƠNG LAN – Khoa Bệnh lây đường hô hấp, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108