Tỷ lệ trẻ bị cong vẹo cột sống chiếm khoảng 3% 

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tổ chức buổi khám, tư vấn miễn phí cho nhiều trường hợp cong vẹo cột sống nhằm giúp phụ huynh sớm phát hiện ra trẻ bị bệnh để điều trị kịp thời. Trong lúc chờ vào khám, ông nội bệnh nhi Nguyễn Hà Tr ở tỉnh Bắc Ninh, chia sẻ: "Cháu mới 11 tuổi nhưng đã bị vẹo cột sống tới 60 độ, khiến bị lệch hẳn người. Theo các bác sĩ thì cháu tôi bị vẹo cột sống khá nặng, buộc phải phẫu thuật. Bố mẹ cháu đi làm ăn xa, ông bà không có kinh nghiệm nên không phát hiện được bệnh". Hiện Tr phải phục hồi chức năng và mặc áo chỉnh hình 13 giờ mỗi ngày, đợi khi trưởng thành mới có thể phẫu thuật, đồng thời, phải tái khám 6 tháng/lần để được hội chẩn về tình trạng bệnh. 

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám cột sống cho một bệnh nhi. Ảnh: NGUYỄN HƯƠNG

Chia sẻ với báo chí, PGS, TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết: "Tỷ lệ trẻ bị cong vẹo cột sống chiếm khoảng 3%. Nhưng đáng lo ngại là hầu hết các cháu không được phát hiện sớm. Nhiều cháu khi đưa đến bệnh viện để khám thì tình trạng đã nặng, đa phần phải điều trị phục hồi chức năng hoặc phải phẫu thuật. Do đó, việc phát hiện sớm để điều trị cho trẻ bị gù, cong vẹo cột sống là rất cần thiết".

Cũng vì lý do đó, khoảng 10 năm nay, khi học sinh bắt đầu được nghỉ hè là các bác sĩ Khoa Phẫu thuật cột sống lại tổ chức khám, tư vấn miễn phí cho các cháu nhằm phát hiện sớm, giúp bệnh nhi có thể không phải phẫu thuật nếu được điều trị kịp thời, đúng cách, tránh được nhiều biến chứng về sau. Ngay từ năm đầu khám, tư vấn cho trẻ vẹo cột sống, các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã được chuyên gia cột sống hàng đầu thế giới là GS Stuart Weinstein, nguyên Chủ tịch Hội Phẫu thuật Hàn lâm Chấn thương chỉnh hình Hoa Kỳ, chuyển giao công nghệ, nên đã phát hiện sớm nhiều trẻ mắc bệnh về cột sống, theo dõi sát sao. Nhờ đó, nhiều cháu không phải phẫu thuật, số cháu phải phẫu thuật có kết quả rất tốt.

Hậu quả nặng nề đối với sức khỏe

Theo PGS, TS Đinh Ngọc Sơn: Cột sống không chỉ là cột đỡ cơ thể mà còn liên quan đến lồng ngực, ổ bụng. Ví dụ từ 3 đến 8 tuổi, nội tạng đang phát triển, nhưng nhiều cháu do bị vẹo cột sống nên bị xẹp một bên phổi, lồng ngực không phát triển được, các phế nang bị xẹp dẫn đến suy hô hấp, tim, phổi cũng không phát triển tốt. Có cháu hơn 10 tuổi đã bị suy hô hấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng. Khoang gan, mật bị hẹp lại cũng ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác. Nếu bệnh về cột sống không được chữa trị dễ dẫn đến tai biến nguy hiểm, để lại hậu quả nặng nề, như liệt chân tay, liệt cả người...

Tại Việt Nam, có tới 80% bệnh nhi bị vẹo cột sống mà không rõ nguyên nhân. Trẻ bị vẹo cột sống không rõ nguyên nhân thường phải mổ khi các cháu ở độ tuổi 14-17 và phải theo dõi sát. Trường hợp trẻ dưới 10 tuổi bị cong vẹo cột sống thì phải can thiệp sớm, như mặc áo chỉnh hình hoặc dùng nẹp tăng trưởng bảo vệ cột sống. Như vậy, chiều cao của các cháu vẫn phát triển và cũng kiểm soát được tình trạng cong vẹo cột sống. 20% trường hợp cong vẹo cột sống còn lại chủ yếu do nguyên nhân bẩm sinh, chấn thương, co cơ, hoặc do ngồi sai tư thế. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, chưa có báo cáo khẳng định ngồi sai tư thế dẫn đến cong vẹo sột sống, nhưng đây được coi là yếu tố nguy cơ.

Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời

Theo bác sĩ Đỗ Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức): Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều cháu bị cong vẹo cột sống nhưng không được khám định kỳ nên tình trạng bệnh nặng nhiều hơn. Theo các bác sĩ, trong sinh hoạt hằng ngày, bố mẹ cần lưu ý đến những dấu hiệu bất thường của trẻ. Ví dụ, khi tắm cho trẻ, bố mẹ cần quan sát phía sau, cột sống của các con phải nằm trên một đường thẳng, nếu cong hình chữ C hoặc chữ S, hoặc thấy một điểm gồ lên, lưng ngắn lại là dấu hiệu gù cột sống, thì phải can thiệp sớm.

Bố mẹ cũng có thể cho các con đứng thẳng, chạm hai đầu gối lại với nhau, rồi cúi xuống. Nếu thấy hai vai trẻ không cân bằng mà một bên bị gồ lên, thì đó là dấu hiệu vẹo cột sống. Hoặc do trẻ ngồi sai tư thế trong thời gian dài cũng dễ dẫn đến co cơ một bên nên bị lệch. Nếu phát hiện sớm, các cháu có thể tập luyện hằng ngày. Ví dụ, ngồi tư thế đúng, bơi (cơ lưng được phát triển đồng đều, thư giãn sẽ khiến các cháu phát triển cân bằng), đu xà, bóng rổ... Ngoài ra, việc bảo đảm dinh dưỡng rất quan trọng, không để trẻ thiếu canxi, còi xương. Vì thiếu canxi sẽ khiến hệ thống cơ xương khớp của trẻ kém phát triển, biến dạng.

Các bác sĩ cũng khuyên bố mẹ nên cho con đến những cơ sở uy tín để khám, phát hiện sớm và điều trị vẹo cột sống. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã phẫu thuật cho hơn 20.000 ca cong vẹo cột sống mà không xảy ra tai biến.

DIỆP CHÂU