Luôn đồng hành cùng người bệnh

Ước mơ từ nhỏ của anh Nguyễn Ngọc Quân (sinh năm 1981) là trở thành một kỹ sư nhưng đến khi tốt nghiệp Trung học phổ thông (năm 1999) anh lại đăng ký vào ngành học Y sĩ đa khoa, Cao đẳng Quân y. Anh chia sẻ rằng, dòng đời đưa đẩy thế nào cuối cùng anh lại gắn bó với nghề này, nghề mà nhiều người bảo “làm dâu trăm họ”. Sau khi ra trường (năm 2004), anh nhận nhiệm vụ công tác tại Bệnh viện TWQĐ 108. Từ đó cho đến nay cũng đã 20 năm anh là một người điều dưỡng quân y. Tự hào và vinh dự, anh luôn động viên mình phải cố gắng, cố gắng không ngừng nghỉ, luôn học tập và trau dồi để làm sao vững tay nghề để chăm sóc cho bộ đội và nhân dân tốt nhất.

Công việc hằng ngày của điều dưỡng viên không đơn giản như những gì chúng ta nhìn thấy bởi họ chạy như "con thoi" cả ngày lẫn đêm. Tại bệnh viện, ngoài việc thực hiện các công việc như truyền dịch, phát thuốc, thay băng... thì điều dưỡng viên có khi phải túc trực, nhiều khi thức trắng trọn đêm. Ở Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108, với kinh nghiệm và chuyên môn lâu năm, anh Nguyễn Ngọc Quân là người hỗ trợ các bác sĩ thực hiện một số can thiệp như triệt phá các rối loạn nhịp tim bằng sóng RF,…

leftcenterrightdel
 Điều dưỡng Nguyễn Ngọc Quân hỗ trợ bác sĩ trong một ca triệt phá các rối loạn nhịp tim bằng sóng RF.

Anh Quân chia sẻ, anh nhớ nhất trường hợp ca bệnh nhân người nước ngoài. Tháng 8-2022, bệnh nhân nam 75 tuổi, từng là giáo sư của Trường đại học y khoa Ohio Đông Bắc tại Mỹ, hiện cũng đang là cố vấn cấp cao của Trường Đại học Fulbright Việt Nam nhập viện tại Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108. Bệnh nhân có tiền sử suy nút xoang đã được cấy máy tạo nhịp cách đây 10 năm. Bệnh nhân nhập viện vì máy tạo nhịp hết pin, vì vậy bệnh nhân phải thực hiện thay máy. Sau phẫu thuật, do tình trạng bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền, nên có nguy cơ nhiễm trùng vết mổ và vết thương lâu liền, chính vì vậy bệnh nhân cần được chăm sóc cẩn thận.

“Đây là một ca bệnh phức tạp, khó khăn trong quá trình chăm sóc, vì da bệnh nhân rất mỏng và nhạy cảm. Ngay sau phẫu thuật, nhận thấy vết mổ có nguy cơ chậm liền, và khả năng nhiễm trùng vết mổ, chúng tôi đã giữ bệnh nhân ở lại để điều trị tiếp. Là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, sau quá trình chăm sóc vết mổ dần được cải thiện. Bệnh nhân đã được cắt chỉ và xuất viện trong niềm vui của cả người nhà lẫn y bác sĩ tại khoa. Trước khi ra viện, bệnh nhân còn viết thư cảm ơn khoa và cá nhân tôi, khiến tôi rất xúc động”, anh Quân chia sẻ với ánh mắt và nụ cười rạng rỡ.

Với anh Quân, chiến đấu giành lại được sự sống cho người bệnh, niềm hạnh phúc lớn lao ấy đã xóa hết bao mệt mỏi, khó khăn trong công việc.

Yêu thương cứ đầy thêm mãi

Giống như anh Quân, hai nam điều dưỡng trẻ Nguyễn Quý Quyền (sinh năm 1993), Đoàn Văn Nghĩa (sinh năm 1997) sau khi tốt nghiệp Đại học Điều dưỡng Nam Định, ra trường được về Bệnh viện TWQĐ 108 công tác. Sau quá trình đi luân khoa, hai đồng chí về công tác tại Khoa Nội tim mạch, Viện tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108.

Từ lúc về khoa, mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợ của đồng nghiệp trong khoa, các bạn dần tự tin hơn trong chuyên môn. “Mỗi khi thấy bệnh nhân tiến triển tích cực là tôi lại vui mừng và tự tin hơn trên con đường mà mình đang đi”, điều dưỡng Nguyễn Quý Quyền tâm sự.

leftcenterrightdel
Điều dưỡng Nguyễn Quý Quyền (thứ nhất từ trái qua), Khoa Nội tim mạch nhận nhiệm vụ lên đường đi chống dịch năm 2021. 

Nhớ lại năm 2021, trước diễn biến phức tạp của làn sóng đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, cùng với nhiều bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện TWQĐ 108, Nguyễn Quý Quyền đã xung phong tham gia đoàn hỗ trợ chi viện miền Nam chống dịch. Không quản khó khăn, vất vả, anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Chứng kiến những ca bệnh không qua khỏi, tôi rất đau lòng. Những lúc đó, tôi tự động viên bản thân phải vượt qua, tiếp tục trau dồi kiến thức, giúp trái tim bệnh nhân khỏe mạnh và kéo dài sự sống cho họ”, Nguyễn Quý Quyền bộc bạch.

Là nam điều dưỡng trẻ nhất trong 3 điều dưỡng của Khoa, Đoàn Văn Nghĩa mới về Khoa Nội tim mạch gần 2 năm. Tuy thời gian ngắn, nhưng anh rất nhanh chóng hòa nhịp với cường độ công việc của khoa, đồng thời cũng rất tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học phục vụ khám và điều trị bệnh. Năm 2023, Đoàn Văn Nghĩa tham gia báo cáo tại Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á (AFCC) lần thứ 27 tổ chức tại Việt Nam với  Báo cáo “Knowledge about heart failure HF patient at 108 Military Central Hospital in 2023 - Kiến thức về suy tim ở người bệnh cao tuổi mắc bệnh suy tim tại Bệnh viện TWQĐ 108 năm 2023”, đã thể hiện tinh thần năng động, ham học hỏi của Điều dưỡng viên Khoa Nội Tim mạch nói riêng và Viện Tim mạch nói chung.

leftcenterrightdel

Điều dưỡng viên Đoàn Văn Nghĩa (bên phải), Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108 báo cáo tại Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á (AFCC) lần thứ 27. 

Cả Nguyễn Quý Quyền và Đoàn Văn Nghĩa đều tâm sự, có những chi tiết tưởng rất nhỏ mà điều dưỡng làm như vỗ lưng, dịu dàng động viên người bệnh tập vật lý trị liệu hay uống thuốc cũng đóng vai trò rất quan trọng bên cạnh sự điều trị của bác sĩ. Khi được hỏi "điều gì khiến các bạn gắn bó với nghề điều dưỡng – một công việc mọi người thường nghĩ dành cho nữ giới?", cả hai anh đều cho rằng do “yêu thương với nghề mỗi ngày lớn hơn, theo nghề điều dưỡng là cái "duyên". Qua thời gian, các anh càng thêm yêu nghề và nhận được sự chia sẻ của gia đình.

Đại tá PGS, TS Phạm Trường Sơn, Phụ trách Viện trưởng Viện tim mạch kiêm Chủ nhiệm Khoa Nội tim mạch đánh giá: "Các nam điều dưỡng Nguyễn Ngọc Quân, Nguyễn Quý Quyền, Đoàn Văn Nghĩa là những người luôn nhiệt huyết và không ngừng học tập, trau dồi kỹ năng chuyên môn, theo sát quá trình điều trị, thấu hiểu tâm lý của người bệnh. Câu chuyện vào nghề và làm nghề của họ chắc chắn sẽ lan tỏa thông điệp đến tất cả mọi người, đặc biệt là những ai có ý định theo đuổi nghề điều dưỡng".

Đại úy QNCN NGUYỄN THỊ HỒNG NGA, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện TWQĐ 108

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.