Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, Việt Nam và Nhật Bản có mối gắn kết chặt chẽ. Nhật Bản luôn là một trong những đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Thời gian qua, quan hệ giữa hai nước có nhiều điểm sáng, trong đó có lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Nhấn mạnh rằng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển rất tốt đẹp, Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Nishimura Akihiro bày tỏ, Nhật Bản luôn đồng hành cùng Việt Nam bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.

Toàn cảnh buổi hội đàm. 

Bàn về các vấn đề môi trường cụ thể, ông Nishimura Akihiro đặc biệt chú trọng đến hợp tác về rác thải nhựa đại dương, bởi những tác động lớn tới môi trường và sức khỏe con người. “Dự tính rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn, đến năm 2050, rác nhựa sẽ nhiều hơn cả cá. Rác nhựa khi phân rã sẽ trở thành vi nhựa, đi vào cơ thể các loài sinh biển, gây ảnh hưởng trực tiếp đến con người khi chúng ta tiêu thụ” – ông Nishimura Akihiro nói.

Tìm biện pháp để giải quyết rác thải nhựa đại dương, Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản đề xuất phối hợp cùng Việt Nam khảo sát, quan trắc rác nhựa đại dương, từ đó lập Sổ tay hướng dẫn nâng cao kỹ thuật quan trắc, khảo sát và mời chuyên gia Việt Nam sang Nhật Bản tập huấn về công nghệ này.

Bên cạnh đó, đối với rác thải từ đất liền, đặc biệt là rác thải điện tử, Bộ trưởng Nishimura Akihiro cho hay, Nhật Bản cũng có kinh nghiệm trong công tác xử lý giúp “hoàn nguyên lại tài nguyên”. “Chúng ta thường nghĩ, mỏ tài nguyên nằm ở các vùng miền núi, nhưng chúng tôi lại thấy: Mỏ nằm ngay tại các đô thị, bởi rác chúng ta bỏ đi chính là những mỏ tài nguyên nếu biết khai thác, tận dụng” – Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản giải thích.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Đặng Quốc Khánh và Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Nishimura Akihiro ký kết Ý định thư hợp tác quản lý rác thải biển.

Thống nhất với các ý kiến của Bộ trưởng Nishimura Akihiro, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chia sẻ, để chống lại rác thải nhựa đại dương, cần quan trắc lượng rác thải ra và trôi nổi ngoài biển, có biện pháp phân loại, thu gom và xử lý rác nhựa. Đồng thời, hai bên có thể tính tới việc hỗ trợ ngư dân chuyển đổi công cụ, vật dụng bằng nhựa sang các vật dụng thân thiện và bền vững hơn. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đánh giá cao ý tưởng “hoàn nguyên lại tài nguyên”, bởi đây chính là thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Trao đổi về hợp tác trong ứng phó biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thông tin, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Ảnh hưởng rõ rệt nhất của biến đổi khí hậu của Việt Nam là sạt lở ở miền núi phía Bắc, biến động địa chất ở Tây Nguyên hay sạt lở sông, biển ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định Việt Nam luôn tiên phong trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và với minh chứng là Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đã và đang cùng nước phát triển thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)… Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Bộ trưởng Nishimura Akihiro tiếp tục quan tâm chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam xây dựng thị trường tín chỉ carbon, giúp Việt Nam nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai. 

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Đặng Quốc Khánh và Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Nishimura Akihiro đã ký kết Ý định thư hợp tác quản lý rác thải biển.

Tin, ảnh: LA DUY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.