Già hô - dân hưởng ứng
Xã Rờ Kơi được thành lập vào năm 1979, chiến sĩ cách mạng A Ghin khi ấy được tín nhiệm, bầu làm Bí thư Chi bộ xã (tức Bí thư Đảng ủy xã hiện nay). Không ngại khó, chẳng ngại gian khổ, Bí thư A Ghin đã cùng đồng bào Ha Lăng xây dựng bản làng ngày càng ấm no, đời sống kinh tế từng bước cải thiện.
Ở tuổi 83, gia tài của già A Ghin là 10ha cao su, 2ha cà phê, 3ha khoai mì (sắn), 2 sào lúa nước cùng 1ha vườn-ao-chuồng. Đó chính là thành quả quá trình miệt mài lao động, nỗ lực tiên phong chuyển đổi giống cây trồng, gương mẫu áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất của già suốt 44 năm qua.
 |
Già A Ghin - Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã Rờ Kơi.
|
Nhâm nhi tách bên cà phê vừa mới thu hoạch, già A Ghin kể cho chúng tôi nghe về hành trình trở thành chiến sĩ cách mạng của mình. A Ghin vốn là đứa trẻ mồ côi cha mẹ, lớn lên nhờ sự đùm bọc của đồng bào Ha Lăng. Năm 15 tuổi, A Ghin xin đi làm liên lạc, cõng gạo, nấu cơm nuôi bộ đội tham gia chiến đấu tại khu vực xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi). Năm 1960, A Ghin được biên chế vào đơn vị bộ binh và đến năm 1977, A Ghin giải ngũ, trở về cống hiến cho quê hương.
Trên cương vị là Bí thư của xã Rờ Kơi, A Ghin hiểu được những vất vả của đồng bào Ha Lăng khi ấy: Cuộc sống vô vàn khó khăn, đói nghèo đeo bám, nhiều hủ tục lạc hậu, việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa cao.
Xuất phát từ quyết tâm “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm”, A Ghin chủ động khai hoang đất đai, chăm chỉ trồng trọt để bà con tin tưởng rồi làm theo. Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào, hễ có thời gian là A Ghin đến từng gia đình để trò chuyện, nói một lần chưa hiểu thì nói nhiều lần, “mưa dầm thấm lâu”. Trong các buổi vận động, già đến với họ như những người trong gia đình, khéo léo bàn về cái lợi-cái hại của hủ tục lạc hậu, phải chăm chỉ làm ăn, ổn định nơi ở, đặc biệt là quan tâm đến việc cho con trẻ đến trường. Đến năm 2000, già A Ghin được nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước rồi chuyển sang làm người có uy tín cho đến nay.
 |
Huân huy chương được già A Ghin gìn giữ cẩn thận, trở thành báu vật cho con cháu. |
Theo già A Ghin, cứ bám mãi vào lối canh tác cây lúa, cây mì cũng chỉ đủ no cái bụng. Vì vậy, già A Ghin lặn lội xuống Công ty 732 (thuộc Binh đoàn 15, Bộ Quốc Phòng) tại Thôn 2, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi để học hỏi cách trồng cây cao su, làm giàu trên mảnh đất màu mỡ của quê hương mình. Từ 3ha khoai mì kém năng suất kém, già đã đổi sang trồng cao su rồi mở rộng thêm 7ha.
Nhiều hộ gia đình học tập theo già A Ghin đã vươn lên thoát nghèo bền vững, có thể kể đến gia đình A Hải (thôn Gia Xiêng), A Thùng (thôn Kram)... Tính đến nay, toàn xã Rờ Kơi đã có 326,5ha cà phê; 925,6ha cao su và 2,4ha cây mắc ca cùng với 19,4ha cây dược liệu.
“Kênh truyền thông” hữu hiệu
Chương trình 1719 được ví như “bệ đỡ” quan trọng giúp đồng bào Ha Lăng vươn lên thoát nghèo, tăng cường kết cấu hạ tầng, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần đưa xã tiến lên nông thôn mới. Để đáp ứng theo nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào, già A Ghin cùng chính quyền địa phương đi từng ngõ, gõ cửa từng gia đình tuyên truyền, phổ biến những dự án cụ thể phù hợp.
Ông A Theng, Phó chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết, nhờ có sự phối hợp của già A Ghin, đã có 9 hộ đăng ký hỗ trợ chuyển đổi nghề và 22 hộ đăng ký hỗ trợ nước sinh hoạt, 1 hộ đăng ký hỗ trợ nhà ở và 5 hộ đăng ký hỗ trợ đất sản xuất tại Dự án 1: “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” theo đúng thủ tục, quy trình và được 100% người dân đồng tình ủng hộ.
Cũng theo ông A Theng, hơn 460m đường nội thôn (thôn Rờ Kơi, thôn Đăk Đe) được bê tông hóa với bề rộng mặt đường là 3m, độ dày tăng 16cm từ Dự án 4 “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc. Số vốn 634 triệu đồng được nhanh chóng giải ngân và đi vào triển khai hoạt động đều nhờ có công lớn từ già A Ghin kêu gọi bà con tham gia hiến đất, làm đường.
 |
Đường liên thôn xã Rờ Kơi được thay đổi diện mạo nhờ nguồn vốn hỗ trợ Chương trình 1719 và phong trào hiến đất làm đường của đồng bào Ha Lăng. |
Già A Ghin chia sẻ, mong mỏi của đồng bào ở đây là có một con đường nội thôn bê tông hóa, thuận tiện đi lại. Được Nhà nước hỗ trợ, già A Ghin không ngần ngại chặt bỏ hàng trăm gốc cà phê để hiến đất làm đường. Hưởng ứng lời kêu gọi ấy, nhiều hộ gia đình đã tình nguyện hiến đất mở đường, trong đó gia đình anh Vũ Nhất hiến 550m2….
Có thể thấy, từ những cuộc trao đổi thân tình của già A Ghin đã giúp đồng bào Ha Lăng nhận thức rõ được tầm quan trọng, tính thiết thực của Chương trình 1719. Nhờ có già A Gin, mọi thông tin đưa tới đồng bào được cụ thể hóa qua những buổi nói chuyện thân mật gần gũi, đi vào lòng người, bằng những thành công tiên phong đi trước. Đồng bào Ha Lăng giờ đây đã hiểu biết, không vi phạm pháp luật, không đi theo kẻ xấu, cùng nhau làm ăn ổn định cuộc sống và tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Với những cống hiến của mình, già A Ghin được Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương hạng Ba đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 1995 đến năm 1999, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… cùng bằng khen, giấy khen từ các cơ quan trung ương, địa phương.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc tôn giáo xem các tin, bài liên quan.