Nằm ở phía Tây Bắc của huyện Sa Thầy, xã Rờ Kơi có đường biên giới giáp Campuchia. Toàn xã có 6 thôn với 1.599 hộ/5.974 khẩu, trong đó 1.433 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 91%. Tổng số hộ nghèo hiện có 368 hộ, chiếm 25,5%; tổng hộ cận nghèo 202 hộ chiếm 13,9%. Kinh tế thuần nông là chủ yếu, kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội chưa được đầu tư đồng bộ nên nhập bình quân đầu người chỉ đạt 33,5 triệu đồng/người/năm, đời sống người dân vô cùng khó khăn.

Ươm mầm, phủ xanh vùng đất khô cằn

Gần 2ha sầu riêng năm sau sẽ cho thu trái lứa đầu tiên là thành quả nỗ lực không ngừng nghỉ của gia đình A Hải (thôn Gia Xiêng) sau khi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ khoai mì và đậu tương. Năm 2022, A Hải được phổ biến tuyên truyền về Chương trình 1719 kết hợp Đề án số 7 sẽ giúp gia đình thoát nghèo, đồng thời được nhận hỗ trợ thêm 100 cây sầu riêng nên anh đã đồng ý chuyển sang mô hình cây ăn trái.

leftcenterrightdel
Đồng bào ở Rờ Kơi thay đổi nếp nghĩ, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây sầu riêng. 

Khi nhận cây giống về, A Hải còn được cán bộ xã, huyện xuống tận vườn “cầm tay chỉ việc”, được học hỏi thêm kiến thức phòng, trừ các loại bệnh trên cây giống nên vườn sầu riêng nhanh chóng bén rễ. Nhận thấy hiệu quả thiết thực của dự án đã khơi dậy quỹ đất khô cằn, A Hải tiếp tục đăng ký nhận thêm 100 cây mắc ca, chủ động trồng thêm các giống bơ, mít, xoài để xen canh trên tổng diện tích đất gần 6ha của gia đình mình.

Tương tự, 1ha sầu riêng của gia đình anh A Thể ở thôn Gia Xiêng cũng xanh mướt nhờ anh có kiến thức phòng, trừ sâu bệnh gây hại trên cây. Việc đưa giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên như một phao cứu sinh giúp gia đình anh thoát nghèo.

leftcenterrightdel
 Cán bộ xã và cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sa Thầy “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn cho đồng bào chăm sóc cây sầu riêng.

Bà Lê Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sa Thầy cho biết, sau khi triển khai thực hiện hỗ trợ, Trung tâm thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn người dân xã Rờ Kơi cách trồng, chăm sóc cây giống; kịp thời đánh giá tình hình sinh trưởng của cây và có giải pháp xử lý, hỗ trợ về kỹ thuật khi cây bị bệnh cho bà con.

Ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức rà soát, khoanh vùng, phân loại hiện trạng cây trồng; đánh giá điều kiện khí hậu, nguồn nước tự nhiên, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, đề xuất đưa vào quy hoạch đất trồng cây ăn quả những diện tích đất có điều kiện thuận lợi. Từng bước tạo vùng, liên vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế, điều kiện tự nhiên, phù hợp với quy hoạch chuyên ngành quy hoạch sử dụng đất, xây dựng nông thôn mới cho địa phương.

Tạo mọi điều kiện cho đồng bào vươn lên thoát nghèo

Ông A Chít, Phó chủ tịch UBND xã Rờ Kơi, khẳng định UBND xã sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc vay vốn về phát triển nông nghiệp theo chu kỳ sản xuất từng loại cây trồng; tăng cường nguồn vốn và mức vay tín chấp trung và dài hạn, thông qua các tổ chức chính trị xã hội để cải tạo vườn tạp cho đồng bào.

Khuyến khích các hình thức liên kết và hợp tác trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ nông nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao và bền vững; giới thiệu các loại giống cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai thổ nhưỡng và chuyển giao khoa học công nghệ cho nhân dân trong vùng.

leftcenterrightdel
 Đề án số 07-ĐA/HU của Huyện ủy Sa Thầy “về cải tạo vườn tạp trên địa bàn giai đoạn 2021 -2025” đã góp phần thay đổi diện mạo kinh tế nông thôn.

Đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm thực hiện là 2.539,1ha, đạt 100,13% kế hoạch; diện tích cây lâu năm 1.654,14ha, đạt 111,2% kế hoạch. Năm 2022 đã trồng được 10,9ha cây ăn quả với 60 hộ tham gia, trong đó có 3 ha sầu riêng, 5ha bơ, 1ha mít, 0,5ha bưởi, 1,4ha xoài, nâng tổng diện tích trồng cây ăn quả lên 94,5ha. Năm 2023 tiếp nhận, hỗ trợ giống sầu riêng, cây mắc ca và cải tạo vườn tạp cho 74 hộ.

Trong thời gian tới, UBND xã sẽ tạo điều kiện, khuyến khích phát triển Hợp tác xã, Tổ hợp tác về sản xuất, chế biến cây ăn quả trên địa bàn theo hướng áp dụng khoa học- kỹ thuật trong sản xuất, chế biến. Hướng dẫn đồng bào bố trí lại cấu trúc không gian vườn, loại bỏ cây tạp hiệu quả thấp, bố trí lại các loại cây trồng trong vườn cho hợp lý theo sơ đồ thiết kế phù hợp với diện tích vườn của từng hộ gia đình.

Có thể thấy, chính quyền cùng nhân dân xã Rờ Kơi đã và đang đoàn kết, nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn để từng bước thực hiện hiệu quả mục tiêu kép (Đề án số 07 gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025) nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế đón đầu cơ hội phát triển, bứt phá về đích nông thôn mới vào năm 2030.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan