Trước đây, để vào được hai bản này phải đi bộ theo lối mòn cheo leo giữa đại ngàn Trường Sơn, do vậy nơi đây được mệnh danh là vùng đất “nhiều không”: “Không đường, không trường, không điện, không chợ, không nước sạch”, cuộc sống theo kiểu tự cung tự cấp nên cái đói, cái nghèo cứ mãi đeo đẳng. Khổ nhất là khi có người ốm nặng, dân bản lại hì hục cột võng, khiêng người bệnh vượt rừng tới trạm xá; có trường hợp do đi lại khó khăn nên đến nơi bệnh tình đã quá nặng, không thể cứu chữa...

Trăn trở trước những khó khăn của bà con bản Cuôi và bản Tri, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (KT-QP), Quân khu 4 quyết tâm mở một con đường để đồng bào nơi đây thoát nghèo. Với sự đầu tư của trên, sau một thời gian dài không quản ngại khó khăn, gian khổ để bám bản, bám dân khảo sát tình hình và thi công, cuối cùng, con đường rải đá dài 13km từ trung tâm xã Hướng Lập vào bản Cuôi và bản Tri đã hoàn thành trong niềm vui khôn xiết của nhân dân.

 Cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 giúp bà con bản Tri, xã Hướng Lập (Hướng Hóa, Quảng Trị) làm đường giao thông. 

Bà Hồ Thị Ven, Chủ tịch UBND xã Hướng Lập kể: “Ngày cắt băng khánh thành con đường, nhiều người dân trong bản cứ đi tới, đi lui trên đường như để khẳng định đây không phải giấc mơ. Bởi có nhiều dự án, không ít đơn vị, doanh nghiệp đã tính chuyện làm con đường giúp bà con nhưng đều không thực hiện được vì địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt. Chỉ có 13km đường mà phải làm tới 7 đập tràn và 156 cống thoát nước”.

Còn với cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 337, trực tiếp là Đội Sản xuất số 3 đứng chân trên địa bàn xã Hướng Lập, đến nay họ vẫn nhớ như in lối mòn ngoằn ngoèo, lên dốc, xuống đèo dẫn đến bản Cuôi, bản Tri. Trung tá Nguyễn Duy Thái, Đội trưởng Đội Sản xuất số 3 nhớ lại: “Ngày trước, để đi vào bản Cuôi, bản Tri phải trèo đèo, lội suối gần một ngày trời. Mùa mưa, để vào được hai bản phải qua hơn 50 khúc sông, suối nguy hiểm, thế mà anh em trong đội đều không thể nhớ hết số lần mình hành quân đến bản Cuôi, bản Tri để giúp nhân dân làm đường”.

Sau khi con đường hoàn thành, để giúp nhân dân giảm đói nghèo, Đoàn KT-QP 337 đã phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa khai hoang, cải tạo 3,8ha đất canh tác để di dời bà con bản Tri ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ quét, lũ ống. Nhằm giúp nhân dân sớm ổn định nơi ở mới, Đoàn KT-QP 337 đã hỗ trợ xây dựng giúp bản Tri một điểm trường mầm non, công trình nước sạch, khai hoang, cải tạo, cấp cho các gia đình đất canh tác và xây dựng những mô hình kinh tế mới như: Trồng lúa nước, cà phê, chăn nuôi gia súc theo phương thức nuôi nhốt... để bà con làm theo. Từ ngày có con đường mới cùng với sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, trực tiếp là sự giúp đỡ của Đoàn KT-QP 337, cuộc sống của bà con bản Cuôi và bản Tri đã có sự đổi thay đáng kể. Ông Hồ Khun, người dân ở bản Tri, chia sẻ: “Có con đường mới không chỉ thuận tiện trong việc đi lại mà còn mở ra hướng thoát nghèo cho bà con dân bản chúng tôi. Từ cuộc sống tự cung tự cấp, chủ yếu phụ thuộc vào việc đốt nương làm rẫy, đến nay bà con bản Cuôi, bản Tri đã biết chăn nuôi, trồng rừng để vươn lên thoát nghèo. Bà con chúng tôi gọi tên đường là “đường của Bộ đội Cụ Hồ”.

Bài và ảnh: NGỌC THĂNG