Từ ưu đãi của thiên nhiên

Nằm trên dãy Trường Sơn, các xã Hướng Phùng, Hướng Việt được thiên nhiên ưu đãi với rất nhiều cảnh đẹp, núi non hùng vĩ, thác, hang động nằm dọc theo nhánh Tây đường Hồ Chí Minh. Nhận thấy giá trị đó, đồng bào Vân Kiều nơi đây đã tận dụng những cảnh đẹp này để tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch, cơ hội trở thành “điểm đến” của khách du lịch. Khu du lịch cộng đồng Chênh Vênh (thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng) có nhiều lợi thế vì chỉ cách thị trấn Khe Sanh khoảng 30km, không khí trong lành, có danh thắng thác Chênh Vênh, có nhiều nông sản đặc trưng như cà phê, măng rừng, chanh leo...

leftcenterrightdel
Nhân viên phục vụ tại Khu du lịch cộng đồng Chênh Vênh.  

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch, Tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam đã phối hợp với huyện Hướng Hóa và xã Hướng Phùng xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại đây. Để thực hiện mô hình này, Tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam đã đầu tư cải tạo 5 ngôi nhà sàn, làm mới 1 nhà sàn truyền thống, hệ thống công trình vệ sinh, điện mặt trời, giếng nước, khu vực vườn hoa… Huyện Hướng Hóa hỗ trợ kinh phí để mua sắm thêm quạt điện, chăn, ga, gối, màn… tại các nhà lưu trú, trang phục của người Vân Kiều trưng bày tại nhà truyền thống. Các bên cũng tổ chức các buổi tập huấn cho bà con kỹ năng thực hiện mô hình du lịch cộng đồng. Với sự đầu tư có bài bản, thời gian qua, Khu du lịch cộng đồng Chênh Vênh đã đón hàng nghìn lượt khách mỗi năm.

Từ Chênh Vênh, vượt qua đèo Sa Mù là tới thôn Trăng-Tà Puồng (xã Hướng Việt), nơi cụm thác Tà Puồng gồm 1 động và 2 thác nước. Động Tà Puồng nằm ở trên cao rộng khoảng 10m và ăn sâu vào lòng núi khoảng 200m, trong động có nhiều thạch nhũ đẹp. Thác Tà Puồng 1 có độ cao khoảng 20m chảy thẳng từ lưng chừng núi xuống qua những vách đá thẳng đứng. Dưới thác Tà Puồng 1 có khá nhiều tảng đá lớn, hình thù đẹp và nhẵn để du khách nghỉ ngơi, thưởng lãm cảnh đẹp hùng vĩ, vừa được hít thở không khí trong lành, mát mẻ tự nhiên. Cách thác Tà Puồng 1 về hạ lưu khoảng 20 phút đi bộ là thác Tà Puồng 2, điểm vui chơi yêu thích của du khách bởi có hồ rộng, nước trong vắt, mọi người tha hồ bơi, lặn…

leftcenterrightdel
Cảnh đẹp thác Tà Puồng. 

Tuy nhiên, cho đến nay, việc làm du lịch cộng đồng ở Trăng-Tà Puồng mới chỉ là các hộ dân tự phát, chưa được sự quan tâm đầu tư của địa phương hay tổ chức nào. Thế nhưng, từ thực tế cho thấy, nơi đây có rất nhiều tiềm năng vì vẫn thường xuyên đón du khách đến nghỉ dưỡng. Việc đầu tư cho các điểm du lịch cộng đồng ở Chênh Vênh hay Tà Puồng sẽ mở ra triển vọng mới về điểm dừng chân lý tưởng cho khách du lịch khi đến Hướng Hóa.

Gìn giữ bản sắc để phát triển

Điểm chung của các khu du lịch cộng đồng tại thôn Chênh Vênh và Tà Puồng đó là bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên thì bản sắc văn hóa của cộng đồng người Vân Kiều nơi đây cũng thu hút khách du lịch. Những ngôi nhà sàn, người Vân Kiều trong trang phục truyền thống, đặc biệt là các món ăn đặc sản do chính đồng bào nuôi trồng, hái lượm từ rừng. Người dân chế tác nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ mây tre để phục vụ khách du lịch và cũng là tạo thêm sự phong phú dịch vụ đi kèm. Nếu may mắn, du khách có thể đến đúng dịp các lễ hội của đồng bào Vân Kiều để có những trải nghiệm “không thể nào quên”.

leftcenterrightdel

 Nếu may mắn, du khách có thể gặp và dự lễ cúng truyền thống của đồng bào Vân Kiều.

Trong quá trình hội nhập sâu rộng, có một thực tế là bản sắc văn hóa của một số dân tộc thiểu số dần bị mai một. Các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của người Vân Kiều đang có nguy cơ biến mất, những người am hiểu và biết những làn điệu này không còn nhiều và ngày càng già, nhưng thế hệ trẻ chưa được truyền dạy, vì vậy đứng trước nguy cơ thất truyền. Các nghề truyền thống cũng chưa được khôi phục và phát triển do không có vốn đầu tư và chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm. Thế nhưng, kể từ khi các khu du lịch cộng đồng đi vào hoạt động thì việc gìn giữ bản sắc dân tộc đã được chính quyền địa phương và người dân quan tâm hơn rất nhiều.

Ông Đặng Trọng Vân, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: “Hướng đi của ngành du lịch huyện Hướng Hóa là tập trung khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh, nhất là những lợi thế đặc thù, khác biệt của địa phương, trong đó, đặc biệt chú ý việc khai thác chiều sâu giá trị văn hóa, truyền thống”. Cũng theo ông Đặng Trọng Vân, hiện nay, các mô hình du lịch cộng đồng ở Hướng Phùng, Hướng Việt đang trên đà phát triển, thế nhưng, trong tương lai cần phải đầu tư, mở rộng quy mô để ngày càng nhiều người dân được hưởng lợi và có nguồn thu ổn định hơn nữa.

leftcenterrightdel
Món ăn truyền thống của người Vân Kiều phục vụ khách du lịch ở Khu du lịch cộng đồng Trăng-Tà Puồng. 

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, Huyện ủy Hướng Hóa đã ban hành nghị quyết về đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hình thành nhiều phong trào văn hóa ở các địa phương trong toàn huyện, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Huyện tập trung các giải pháp cụ thể trong từng giai đoạn. Đó là việc xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về bảo tồn, phát triển giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, huy động nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, từ xã hội hóa.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí mua sắm, phục chế các loại hình văn hóa vật thể, trang phục dân tộc, mở các lớp tập huấn khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một. Những việc làm trên nhằm biến di sản văn hóa thực sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với việc xây dựng nông thôn mới.

Có thể thấy, sự tích cực, nỗ lực của người dân và sự đồng hành của chính quyền địa phương là cơ sở vững chắc để giải quyết bài toán phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào Vân Kiều ở Hướng Phùng, Hướng Việt.

Bài, ảnh: THANH TRÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.