Gần dân để giúp dân phát triển kinh tế
Ấp Tapasa 1, xã Tân Phú, huyện Thới Bình là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Hơn 10 năm trước, đời sống bà con đồng bào dân tộc Khmer nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hệ thống lưới điện, đường giao thông, trường học chưa được đầu tư xây dựng nhiều, việc sản xuất không ổn định, thu nhập còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo còn cao, còn tồn tại nhiều phong tục lạc hậu, cổ hủ.
Nhưng vài năm trở lại đây diện mạo phum, sóc đã đổi thay, chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc Khmer không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm theo từng năm. Trong câu chuyện đổi thay của phum, sóc, nhiều người dân không quên nhắc đến sự đóng góp của ông Thạch Hồng Chiến - người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.
“Làm việc gì cũng vậy, nhất là trong công tác ở cơ sở, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống mình phải tạo được niềm tin, để bà con thấy rằng mình làm mọi việc là vì sự phát triển của người dân, vì lợi ích chung cho cộng đồng, như vậy khi vận động mới đạt kết quả cao. Tôi còn nhớ, trước đây ở địa phương có hộ thuộc diện khó khăn, lại đông con, thu nhập không ổn định, nhưng điều làm cho cái nghèo đeo bám là tự họ không chịu cố gắng, không chịu thay đổi để phát triển. Vì vậy, tôi và các đồng chí trong Chi bộ ấp đã kiên trì khuyên nhủ, vận động hết lần này đến lần khác, một lần không được thì nhiều lần, cách này không được thì dùng cách khác, cuối cùng cũng thành công. Để rồi, tất cả các thành viên trong hộ gia đình này đã chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo”, ông Chiến cho hay.
 |
Ông Thạch Hồng Chiến (áo trắng) - người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer vận động người dân chung tay xây dựng cảnh quan môi trường.
|
Là người nhiệt tình, năng nổ trong phum, sóc, ông Chiến thường xuyên nghiên cứu, học hỏi phương pháp, kinh nghiệm sản xuất từ cán bộ khuyến nông của xã, huyện, làm “sợi dây kết nối” với các hộ gia đình khác trong quá trình đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vận động bà con đồng bào dân tộc Khmer áp dụng những mô hình sản xuất phù hợp, có hiệu quả, từ đó được bà con tin tưởng, tín nhiệm.
Ông Thạch Búp, người dân tộc Khmer, ở ấp Tapasa 1, xã Tân Phú, cho biết: “Ông Chiến là người cán bộ gương mẫu, nhiệt tình, gần gũi với nhân dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc Khmer. Ông đã vận động người dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Có nhiều hộ gia đình khó khăn, nhờ ông Chiến đến vận động, khuyên nhủ mà nay chí thú làm ăn, ổn định cuộc sống hơn trước. Ngoài ra, ông còn đến từng hộ gia đình người dân trong ấp để tuyên truyền, vận động tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới”.
 |
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Thạch Chia còn hướng dẫn bà con Khmer chăn nuôi để thoát nghèo. |
Tương tự, được các cấp ủy Đảng, chính quyền tin tưởng, đồng bào dân tộc Khmer tín nhiệm bầu làm người có uy tín hơn 2 nhiệm kỳ, ông Thạch Chia, ở Tân Điền B, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau luôn làm tốt vai trò của mình trong các nhiệm vụ được giao. Xác định được trách nhiệm của bản thân trong các phong trào thi đua, phát triển kinh tế ở địa phương, ông Thạch Chia nhiệt tình giúp đỡ cho nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Không chỉ ở lĩnh vực nuôi dê, ông còn đứng ra bảo lãnh cho nhiều người không có vốn để mua chịu con giống như tôm, cua, sò huyết,… để kịp thả nuôi khi vào vụ. Bằng hình thức này, thời gian qua ông Thạch Chia đã giúp cho rất nhiều hộ khó khăn trên địa bàn ấp có điều kiện thả giống đúng lịch thời vụ. Không chỉ tương trợ, giúp đỡ nhau cùng nhau vươn lên mà qua đó còn thắt chặt hơn tình làng, nghĩa xóm ở địa phương.
 |
Ông Thạch Hồng Chiến (ở giữa) thường xuyên trò chuyện, nắm bắt tâm tư và vận động người dân tham gia các phong trào, hoạt động do địa phương phát động. |
Ông Lê Thế Anh, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi cho biết: “Thời gian qua, đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn xã chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý thức tự vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình. Đạt được kết quả đó một phần có sự đóng góp rất lớn của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, trong đó có chú Thạch Chia. Chú Thạch Chia đã cùng với những người có uy tín khác đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con đồng bào dân tộc Khmer. Làm tốt công tác nêu gương, góp phần thực hiện các nhiệm vụ công tác dân tộc nói chung, công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng”.
Chủ động tham gia giải quyết kịp thời những vướng mắc, không để xảy ra điểm “nóng”
Ngoài giúp bà con phát triển kinh tế, những người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn làm tốt vai trò là cầu nối ý Đảng với lòng dân. Nhiều người có uy tín bằng kinh nghiệm của mình đã chủ động tham gia giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở, không để xảy ra điểm “nóng”.
Điển hình cho vấn đề này là ông Trà Huôl - Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer ấp 9, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời. Ông Huôl đã tuyên truyền, vận động nhân dân trong xóm nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm, chống truyền đạo trái pháp luật. Đặc biệt, đối với một số thanh niên thường gây ra nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, gây mất đoàn kết, ông đã khuyên giải kịp thời. Thông qua tuyên truyền, vận động số thanh niên ở địa phương đã chấp hành tốt pháp luật của nhà nước.
Ông Trà Huôl, chia sẻ: “Ban đầu khó khăn lắm, rất khó tiếp cận với những thanh niên này. Nhưng mình tiếp xúc từ từ, khuyên giải, động viên nhỏ nhẹ. Khi bắt được chuyện thì mình tuyên truyền, giải thích cái đúng, cái sai rồi những thanh niên đó cũng nhận ra và sửa đổi. Hiện giờ tình hình trong ấp yên ổn hơn trước nhiều lắm”.
 |
Người có uy tín trên địa bàn Cà Mau luôn phát huy tốt vai trò cầu nối ý Đảng với lòng dân giúp bà con phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo. |
Ông Nguyễn Văn Thuật, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho biết, toàn tỉnh có hơn 70 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, người có uy tín là “cánh tay nối dài” giúp mặt trận trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động đồng bào tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Bằng uy tín của mình, người có uy tín đã thực hiện và vận động, tuyên truyền nhân dân đoàn kết chống lại các biểu hiện tiêu cực, lạc hậu, các tệ nạn xã hội, đi đầu trong các phong trào phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo đồng thời giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt cộng đồng, những người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên nhắc nhở bà con nêu cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe lời kẻ xấu xúi giục; phân tích, giảng giải cho đồng bào thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tôn giáo; nhất là quan tâm xóa đói, giảm nghèo, định canh, định cư, làm đường giao thông, chăm lo sức khỏe cộng đồng...
“Với sự góp sức của đội ngũ người có uy tín, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh còn 7,58%, giảm 2,65%, tương đương mức giảm 376 hộ nghèo. Hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được củng cố; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được ổn định", ông Thuật nhấn mạnh.
Bài, ảnh: BÍCH NGỌC
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.