Con trâu từ trước đến nay với người nông dân vẫn luôn là đầu cơ nghiệp. Gia đình chị Bàn Thị Hoa và những gia đình nghèo khác ở trong thôn Lâm, xã Đồng Tâm (Bắc Quang) khi được thông báo nằm trong danh sách thực hiện Dự án 3 - Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đều nhanh chóng thực hiện khâu chuẩn bị đáp ứng yêu cầu của chương trình.
 |
Diện tích cỏ được gia đình chị Bàn Thị Hoa, thôn Lâm, xã Đồng Tâm (Bắc Quang, Hà Giang) trồng để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu.
|
Chị Hoa chia sẻ: “Khi được thôn thông báo gia đình nằm trong danh sách được Nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng để mua một con trâu và được tiêm vaccine trong quá trình chăm sóc. Gia đình tôi đã chủ động tu sửa lại chuồng trại, trồng thêm diện tích cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu. Mặc dù với số tiền hỗ trợ chỉ mua được 1 con trâu nhưng đó thực sự là sinh kế của gia đình tôi cũng như các hộ nghèo khác trong thôn”.
Cùng với sự chủ động của người dân, chính quyền các địa phương trên địa bàn Hà Giang cũng tích cực vào cuộc. Thực hiện tiểu dự án hỗ trợ sản xuất nằm trong Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, chương trình này hướng tới tạo sinh kế cho người dân nghèo ở các thôn, bản khó khăn, xã khó khăn. Để người dân yên tâm khi tham gia dự án, các địa phương đã chủ động thành lập các tổ hợp tác. Đây là nơi để những người dân chia sẻ với nhau kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm chăn nuôi. Bên cạnh đó, bài toán đầu ra cũng đã được các địa phương quan tâm.
 |
Lãnh đạo thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên, Hà Giang) thăm mô hình trồng đỗ của gia đình ông Trần Xuân Mạnh, tổ 10, thị trấn Việt Lâm. |
Chị Nông Thị Hoan, thôn Khuôn Phà, xã Tùng Bá (Vị Xuyên) bày tỏ: “Tham gia vào tổ hợp tác, các hộ nghèo như chúng tôi được các hộ khá, trung bình trong tổ chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn tận tình nên cũng yên tâm. Ngoài ra các hộ này còn là cầu nối đưa sản phẩm đến với thị trường tiêu thụ”.
Theo ông Lý Văn Kỳ, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm (Bắc Quang), câu chuyện liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân là điều mà chính quyền xã quan tâm từ khi xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh. “Việc hỗ trợ là một phần để tạo sinh kế cho nhân dân nhưng việc liên kết sẽ giúp cho người dân phát triển bền vững hơn. Đồng thời, chúng tôi vận động các hợp tác xã đã được thành lập trước kia tham gia vào dự án để giúp nhân dân tiêu thụ sản phẩm”, ông Lý Văn Kỳ nói.
Những mô hình được xây dựng theo chuỗi giá trị giúp người dân nghèo yên tâm hơn để phát triển kinh tế gia đình. Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 không chỉ hướng tới mục tiêu tạo sinh kế cho người dân mà còn là phải sinh kế bền vững. Dự án ngoài tiểu dự án hỗ trợ sản xuất còn thực hiện dự án liên kết, hỗ trợ sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đa dạng hóa sinh kế cho người dân. Nếu như ở các xã thực hiện hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho người dân thì ngành nông nghiệp của Hà Giang tích cực thực hiện các mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
 |
Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp cho người dân phát triển bền vững hơn. |
Theo ông Dương Văn Thành, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Hà Giang: “Nguồn vốn dành cho xây dựng chuỗi liên kết của năm 2022 và năm 2023 của tỉnh là 146,8 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện 49 chuỗi giá trị. Trong đó, 5 chuỗi thuộc cấp tỉnh, 44 chuỗi cấp huyện triển khai. Những các chuỗi giá trị này được triển khai sẽ giúp cho người dân có thêm một sinh kế bền vững”.
Những nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719 đang tạo ra những sinh kế bền vững cho người dân. Chương trình vẫn đang được tiếp tục triển khai với những hình thức thực hiện linh hoạt, sáng tạo hơn. Người dân nghèo sẽ còn được tiếp cận với nhiều hơn những mô hình hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị. Và những mô hình đó được kỳ vọng sẽ giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: KIM THU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.