Tết Độc lập gắn liền với Lễ hội đua thuyền
Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình là hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được tổ chức thường niên nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần thượng võ trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo sử sách, Lễ hội đua thuyền ở huyện Lệ Thủy lần đầu được tổ chức vào năm 1555, thường vào mùa Xuân với mong muốn cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; thi thố sức trai, sức gái để chuẩn bị vật lộn với mùa mưa bão, chế ngự thiên nhiên.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, kể từ năm 1946, lễ hội chính thức được tổ chức đúng vào ngày 2-9; với ý nghĩa mừng Tết Độc lập. Đây là nét truyền thống rất riêng và là một dịp đặc biệt trong năm của người dân quê lúa Lệ Thủy, bên cạnh ngày Tết Nguyên đán.
Từ đó đến nay, cứ vào ngày 2-9 hằng năm, sông Kiến Giang lại dậy vang tiếng reo hò, tiếng trống, tiếng mõ với những màn tranh đua quyết liệt của các thuyền đua trên sông và trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây.
 |
Vào ngày 2-9 hằng năm, sông Kiến Giang lại dậy vang tiếng reo hò, tiếng trống, tiếng mõ với những màn tranh đua quyết liệt của các thuyền đua trên sông và trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. |
Không khí Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng
Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang vinh dự được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ngày 27-8-2019. Đây là lễ hội dân gian truyền thống thể hiện bản sắc văn hóa riêng có của vùng đất Lệ Thủy.
Theo bà Ninh Thị Hòa, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lệ Thủy, để mừng ngày Quốc khánh 2-9 năm nay, các địa phương trong huyện đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; tập luyện chuẩn bị cho lễ hội bơi, đua truyền thống.
Hai năm vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống đã phải tạm dừng. Năm nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, cả nước bước vào điều kiện bình thường mới; vì vậy Ban Thường vụ Huyện ủy đã đồng ý chủ trương tổ chức Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.
Lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập năm nay có 24 thuyền đua nam và 8 thuyền bơi nữ với hàng trăm vận động viên tham gia, chia thành 2 bảng đấu A - B (mỗi bảng 12 thuyền). Các tay chèo tranh tài trên đường đua dài hơn 24km là trai, gái trong các làng của huyện Lệ Thủy chọn ra để thi đấu. Buổi thi bơi, đua thuyền chung kết được bắt đầu từ 7 giờ 30 sáng 2-9.
Bạn Hoàng Thị Lệ, cán bộ Đoàn (thuộc xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy) cho biết: Từ đầu tháng 8 năm nay, cán bộ, đoàn viên thanh niên ở các thôn, xã đã được sống trong bầu không khí nhộn nhịp, náo nức đón mừng ngày Tết Độc lập. Khắp các tuyến đường, ngõ phố, đâu cũng thấy cờ hoa, biểu ngữ, băng rôn đỏ rực chào mừng kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 2-9.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Mỹ, một doanh nhân đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng, người con vùng sông nước xứ Lệ cũng kịp về cả gia đình để thăm người thân và ăn Tết Độc lập trên quê hương. Chị tâm sự: Đây là dịp để đại gia đình đoàn tụ, thăm hỏi ông bà, cha mẹ, giúp con cháu có dịp hiểu thêm về truyền thống tươi đẹp của quê hương, trước khi vào năm học mới.
Còn cô Đoàn Thị Kim Thu, một người con xứ Lệ sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Cả gia đình về từ giữa cuối tháng 8, ghé thăm Nhà tưởng niệm và dâng hương nhân dịp kỷ niệm 111 năm sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp…đón xem truyền thống bơi, đua, giao lưu, gặp gỡ bạn bè…
 |
Từ năm 2013, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, vào dịp 2-9 hằng năm, trên bàn thờ mỗi gia đình đặt thêm di ảnh của Đại tướng. |
Ngoài lễ hội đua thuyền, Tết Độc lập ở Lệ Thủy có nhiều hoạt động như: Thi đấu bóng chuyền nam - nữ, bóng đá, liên hoan giao lưu văn nghệ, hò khoan Lệ Thủy… Đặc biệt, nhà nào cũng sắm lễ và làm mâm cơm cúng tổ tiên, ghi nhớ công ơn Bác Hồ. Từ năm 2013, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, vào dịp 2-9 hằng năm, trên bàn thờ mỗi gia đình đặt thêm di ảnh của Đại tướng như một lời tri ân, thể hiện lòng thành kính của thế hệ con cháu đối với vị tướng tài của quê hương.
Tết Độc lập thực sự là dịp để những người con xứ Lệ vui chơi sau những tháng ngày lao động vất vả, sẵn sàng cho vụ mùa mới, quan trọng hơn là tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc, vun đắp cho quê hương thêm giàu mạnh!
Bài và ảnh: XUÂN HOAN