Trong không khí cả nước tưng bừng, phấn khởi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đến với bà con dân tộc Pa Cô, Vân Kiều ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, chúng tôi đều cảm nhận được niềm vui của bà con khi cuộc sống ngày một đổi thay. Tại các bản làng của đồng bào nơi núi rừng Trường Sơn hôm nay san sát những ngôi nhà kiên cố nằm xen kẽ các vùng cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu. Dọc những tuyến đường đến các bản làng, đâu đâu cũng rực rỡ cờ Đảng, cờ Tổ quốc...

leftcenterrightdel
 Đồng bào Pa Cô ở huyện Đa Krông (Quảng Trị) ươm cây giống phát triển kinh tế.

 

Những năm trước đây, đời sống của bà con dân tộc Vân Kiều ở xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) hay ở các huyện A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên Huế), huyện Hướng Hóa (Quảng Trị)... còn gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Mỗi lần có dịp đến đây, chúng tôi đều không khỏi trăn trở khi chứng kiến nhà cửa của bà con nhiều nơi còn tạm bợ, trẻ em co ro trong manh áo mỏng của những ngày đông giá rét... Nhưng giờ đây, cuộc sống của bà con đã thực sự đổi thay. Tại nhiều bản làng, nhà cửa đã được xây dựng kiên cố, trường học, trạm y tế xã, các công trình nước sạch, điện thắp sáng được Nhà nước đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang... Từ chỗ còn thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nơi ở, đến nay, hầu hết đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều đã có cuộc sống ổn định, ấm no. Có được kết quả này là nhờ các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số, như: Chương trình hỗ trợ di dân, định canh định cư, hỗ trợ tín dụng, chính sách về y tế, giáo dục... Hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường học, trạm xá, chợ và các công trình phúc lợi khác cũng đã được đầu tư, xây dựng tạo cơ sở, tiền đề cho bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 

 Dẫn chúng tôi đi tham quan chuồng trại của gia đình, ông Hồ Thìn, người dân tộc Pa Cô ở thôn Ka Lô, xã Đông Sơn, huyện A Lưới cho biết: “Gần 50 năm đất nước thống nhất, nhưng mảnh đất A Lưới vẫn còn gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, chịu khó của đồng bào, đặc biệt, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cùng sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ban, ngành và Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 92 (Quân khu 4), đời sống của người dân hôm nay đã có nhiều cải thiện. Trong thôn, nhiều hộ gia đình đã vươn lên khá giả nhờ chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng rừng”. Ông Hồ Sáng ở bản Cẩm Ly, xã Ngân Thủy được bà con trong bản xem là tấm gương tiên phong về vượt khó, làm giàu. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn, tuy nhiên, với suy nghĩ không cam chịu đói nghèo, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, ông Hồ Sáng đã quyết định về miền xuôi để học hỏi làm kinh tế. Từ hai bàn tay trắng, hiện nay, gia đình ông Hồ Sáng đã có 20ha rừng trồng, khai thác theo kiểu cuốn chiếu, qua đó cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, ông còn xây dựng mô hình chuồng trại nuôi lợn, nuôi vịt kết hợp ao nuôi cá mang lại thu nhập ổn định. “Mỗi khi nhắc đến họ Hồ là chúng tôi lại nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện. Đặc biệt, làm theo lời Bác, đồng bào luôn nỗ lực thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới”, ông Hồ Sáng chia sẻ.

Được mang họ Bác Hồ là niềm vinh dự, tự hào, là động lực để đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nỗ lực phấn đấu, thi đua lao động sản xuất, từng bước xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, bản làng văn minh, giàu đẹp...

Bài và ảnh: GIA HÂN