Mới đây, có dịp đến một số huyện phía tây của tỉnh Quảng Trị, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về những đổi thay ở khắp các bản làng, từ nếp nghĩ, cách làm đến đời sống sinh hoạt của đồng bào nơi đây. Đường vào các xã: A Vao, A Bung, A Ngo và Tà Rụt (huyện Đakrông) không còn gồ ghề, sỏi đá và lầy lội như mấy năm trước nữa mà giờ đây được mở rộng, trải nhựa, thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Những khu đồi rộng trước đây chỉ trồng ngô, lúa nương hoặc bỏ hoang thì nay đã được phủ kín màu xanh của rừng tràm, keo tai tượng và rừng nguyên liệu... Điều đáng mừng hơn là người Vân Kiều, Pa Cô trên dãy Trường Sơn hôm nay đã bỏ những hủ tục lạc hậu, nhiều gia đình đã biết làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Gần 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, nhiều em tiếp tục học lên đại học, sau đó trở về xây dựng bản làng...

leftcenterrightdel
Đồng bào Pa Cô, Vân Kiều ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông (Quảng Trị) ươm giống cây tiêu cung cấp cho thị trường. 

Trong căn nhà sàn nép mình bên dòng suối, ông Hồ Mơ, thương binh hạng 1/4, ở thôn Prin C, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa cho biết: “Tôi đã sống ở đây mấy chục mùa rẫy, chứng kiến bao biến cố thăng trầm. Giờ đây, người dân thôn Prin C đã có cuộc sống ổn định, bản làng yên ấm. Màu xanh của cà phê, chuối và các loại cây ăn quả đã phủ khắp những quả đồi trước đây trọc trắng, nham nhở vì bom đạn. Có được cuộc sống như hôm nay, đồng bào ơn Đảng, ơn Bác Hồ nhiều lắm”. Ông Hồ Mơ nhớ lại, những ngày đầu đến vùng này khai hoang mở đất gian khổ vô cùng.

Thế nhưng, với bản lĩnh của một người từng trong quân ngũ, ông nỗ lực vượt qua tất cả, cùng gia đình và nhiều người trong thôn miệt mài khai hoang, đào mương dẫn nước tạo nên những thửa ruộng lúa nước tươi tốt. Với hơn 2ha ruộng trồng thâm canh, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 10 tấn lúa, không chỉ đủ ăn cho gia đình, nuôi các cháu mồ côi trong bản, ông còn giúp đỡ nhiều gia đình cựu chiến binh vượt qua khó khăn. Tận dụng tiềm năng đồng cỏ sẵn có, ông Hồ Mơ còn phát triển chăn nuôi bò, lợn, gà và khai thác rừng trồng cao su, sắn... qua đó giúp gia đình ông mỗi năm thu về hơn 200 triệu đồng, trở thành điển hình trong làm kinh tế. “Được sống trong hòa bình, ấm no, còn được mang họ Bác Hồ, chúng tôi vô cùng vinh dự, tự hào và luôn tự dặn lòng phải sống, lao động, học tập thật tốt để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”, ông Hồ Mơ chia sẻ.

Đến rẻo cao bản Đá Bàn, xã Ba Nang, huyện Ðakrông, hỏi về chuyện phát triển kinh tế, ai cũng nhắc đến 3 anh em Hồ Văn Trung, Hồ Văn Hòa và Hồ Văn Hinh. Để có cơ hội thoát nghèo, 3 anh em đã hợp sức mở con đường từ bản lên tới đỉnh núi Ka Niêng cao hơn 1.000m so với mực nước biển để khai thác đất trống, đồi núi trọc, trồng hơn 50ha sắn, 50ha rừng và cây cao su. Ðến nay, toàn bộ khu đất hoang hóa rộng hơn 100ha đã được phủ kín màu xanh cây trồng, qua đó giúp các anh thu về hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Kinh tế gia đình phát triển, các anh có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học và mua sắm các vật dụng phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Anh Hồ Văn Trung cho biết: “Mở đường tới đâu là mình khai hoang đất đai hai bên đường trồng sắn, ngô và trỉa lúa đến đó. Anh em mình động viên nhau, sức lực có, đất đai có, sao phải chịu đói nghèo? Cán bộ cũng bảo mình là người họ Hồ thì phải làm theo lời Bác Hồ dạy, tích cực lao động sản xuất để thoát nghèo”.

Với chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước, người Pa Cô, Vân Kiều trên địa bàn tỉnh Quảng Trị luôn luôn tin theo Đảng, nỗ lực, cần cù lao động sản xuất để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bài và ảnh: HỒ THANH