Gần 2 năm qua, Hồ Văn Vân lớn lên trong tình thương và trách nhiệm của những người lính Biên phòng nơi biên cương Tổ quốc. Những ngày hè, Vân thường theo các bố, các chú lên chốt Quản lý bảo vệ biên giới, phòng, chống dịch Covid-19.

Tâm sự với chúng tôi, Hồ Văn Vân cho biết: "Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, các bố, các chú phải thường xuyên trực chốt trên biên giới. Thấy các bố, các chú vất vả, cháu vẫn suy nghĩ mình phải làm gì đó để có thể giúp được việc gì đó cho mọi người. Nghỉ hè không phải đến trường, bố Tất (Thiếu tá Hoàng Văn Tất, nhân viên Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu phụ Tà Rùng-PV) cho cháu hằng ngày về nhà ở thôn Ka Tiêng".

Sau khi giúp mẹ làm những việc vặt, cậu lại đi chơi với bạn bè ở các nhà trong thôn. Gọi là đi chơi nhưng cậu luôn để ý xem nhà nào có anh em ở nơi khác đến thăm, ai mới đi xa về. Bởi vậy mà cậu biết được anh Hồ Văn Khánh, sinh viên Trường Cao đẳng Luật Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; anh Hồ Văn Nhi, sinh viên Đại học Huế và chị Hồ Thị Xê đi làm công nhân ở tỉnh An Giang mới về nhà. "Biết được điều này, bố Tất, bố Khoa (Thiếu tá Nguyễn Thanh Khoa, nhân viên kiểm soát Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu phụ Tà Rùng-PV) đã đến nhà các anh chị yêu cầu khai báo y tế. Vì việc này mà cháu được các bố, các chú khen rất nhiều", Hồ Văn Vân chia sẻ.

Những lúc rảnh rỗi, Hồ Văn Vân lại ra chốt chơi và giúp các bố, các chú những việc vặt.  

Theo Thiếu tá Hoàng Văn Tất, địa bàn do Đồn Biên phòng Hướng Lập quản lý không phải là địa bàn trọng điểm để các đối tượng ở các địa phương khác lợi dụng xuất, nhập cảnh trái phép vì đường sá đi lại không thuận tiện. Tuy nhiên, người dân 2 bên biên giới ở đây có mối quan hệ thân tộc lâu đời, vẫn qua lại thăm thân. Vì dịch Covid-19 bùng phát, nên việc qua lại biên giới của người dân phải tạm dừng. Người dân Lào ở các bản đối diện rất khó khăn vì không sang được Việt Nam để mua lương thực, nhu yếu phẩm. Bởi vậy, có tình trạng một số người ở các bản làng vượt biên trái phép để mang hàng cho anh em, họ hàng ở các bản Lào đối diện. Việc này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh qua biên giới vì sau Tết Bun Pi May tháng 4-2021, Lào có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Thế nên, nghe lời bố Tất dặn, thấy ai vắng mặt ở nhà lâu ngày là Vân cũng báo lại cho các bố, các chú ở đồn.

Được theo mẹ lên nương, sang Lào thăm họ hàng từ khi mới biết đi nên từ khi về ở Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu phụ Tà Rùng, không ít lần được theo chân các bố, các chú Biên phòng tuần tra, do đó Vân biết rất rõ đoạn biên giới qua thôn Ka Tiêng. Thế nên chú Lê Văn Phương, anh Mai Văn Ngọc là cán bộ từ Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị tăng cường cho Chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 của đồn đều tin tưởng dẫn theo Vân trong những lần đi tuần tra, biết thêm đường ngang, lối tắt trên biên giới. "Vì các chú mới đến, chưa biết hết mọi người trong bản nên cháu sẽ giúp mọi người phát hiện người lạ, người quen ra vào đường biên giới", Vân tâm sự.

Ngôi nhà mới của Hồ Văn Vân là Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu phụ Tà Rùng.

Trước đây, khi mới về Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu phụ Tà Rùng ở, Hồ Văn Vân chỉ đi học là chính, rất ít khi phải làm gì. Thế nhưng, giờ nghỉ hè không phải đến trường, thương các bố, các chú vất vả trực chốt, nhiều lúc trắng đêm tuần tra biên giới nên những lúc rảnh rỗi, Hồ Văn Vân đã chủ động làm việc nhà như: Cắm sẵn nồi cơm, phụ nhặt rau, rửa bát hay quét dọn chốt để mọi người có thêm thời gian nghỉ ngơi trước khi bắt đầu ca trực mới.

Hồ Văn Vân cũng cho chúng tôi biết, trong các “Tiết học biên giới” mà các bố, các chú đến Trường THCS Hướng Việt dạy đã cho em và các bạn hiểu thế nào là sự thiêng liêng của biên giới quốc gia cũng như trách nhiệm của mỗi công dân ở khu vực biên giới. Chia tay Hồ Văn Vân, chúng tôi nhớ mãi lời chia sẻ của "chiến sĩ nhí" người Vân Kiều này: "Chúng cháu hiểu rằng, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” chúng cháu sẽ làm những việc vừa với sức mình để cùng với các bố, các chú Bộ đội Biên phòng xây dựng, quản lý và bảo vệ phên giậu của Tổ quốc".

Bài, ảnh: THANH NGUYỄN