leftcenterrightdel
Lãnh đạo xã Lũng Thầu kiểm tra đàn bò của gia đình ông Thào Dũng Say ở thôn Mỏ Xí, xã Lũng Thầu, huyện Đồng Văn. 

Năm 2022, gia đình anh Sùng Pả Chơ ở thôn Tả Lủng B, xã Sảng Tủng là một trong 25 hộ dân trong thôn được hỗ trợ 14,2 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi dê sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay, đàn dê của nhà anh Chơ đã sinh thêm nhiều dê con. Anh Chơ chia sẻ: “Từ khi nhận được tiền hỗ trợ của dự án, gia đình tôi đã mua 6 con dê sinh sản, cùng với sự hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn, đến nay, đàn dê của nhà tôi đã phát triển tốt. Tôi cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước nhiều lắm!”. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phúc Trọng Binh, Chủ tịch UBND xã Sảng Tủng cho biết: “Năm 2022, xã Sảng Tủng được cấp hơn 1,4 tỷ đồng, trong đó tập trung vào các dự án như hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững và các hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong quá trình triển khai, chính quyền xã thường xuyên đôn đốc, kiểm tra để các dự án thực sự phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân”.

Còn ở xã Lũng Phìn cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai các dự án theo đúng quy trình và đúng đối tượng. Như tại thôn Cán Pẩy Hở A, qua bình xét của 74 hộ dân trong thôn, bà con đã nhất trí lựa chọn 21 hộ để thực hiện dự án phát triển chăn nuôi bò. Trong đó, mỗi gia đình được hỗ trợ 14,2 triệu đồng để mua con giống và phải cam kết thực hiện theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn cùng sự theo dõi, giám sát của chính quyền địa phương. Từ khi triển khai đến nay, dự án được thực hiện nghiêm túc, người dân rất đồng tình hưởng ứng. Đồng chí Sùng Mí Pó, Chủ tịch UBND xã Lũng Phìn cho biết: “Để bảo đảm tính minh bạch, khách quan, đúng đối tượng; cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân đã tiến hành họp bàn, bình xét trước khi thống nhất triển khai. Quá trình thực hiện các dự án được theo dõi, giám sát thường xuyên, kịp thời điều chỉnh, xử lý những tồn tại, vướng mắc ngay trong khi thực hiện”.

Với những cách làm linh hoạt trong thực hiện các dự án hỗ trợ, đến nay, huyện Đồng Văn đã có những thay đổi lớn về diện mạo cũng như chất lượng cuộc sống của người dân. Qua triển khai, chương trình đã mang lại hiệu quả nhất định trên nhiều lĩnh vực, cụ thể như: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 67,96% (năm 2021) xuống còn 61,12% (cuối năm 2022); tạo việc làm và giải quyết việc làm mới cho hơn 10.800 lao động; nâng cao thu nhập cho người dân thông qua các chính sách, chương trình hỗ trợ... Thời gian tới, huyện Đồng Văn sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chương trình; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp xử lý. Tập trung ưu tiên lồng ghép tối đa các nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo.

Bài và ảnh: KIM THU - THIỆN NGAY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.