Người Rơ Măm là một trong những dân tộc rất ít người (dưới 1.000 người) sinh sống tập trung ở làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng người Rơ Măm có đời sống văn hóa, tâm linh phong phú. Đặc biệt là còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm, cồng chiêng và nhiều lễ hội độc đáo.

Trong các lễ hội lớn của người Rơ Măm như: Lễ cưới, lễ bỏ mả, lễ mừng nhà rông mới và các nghi lễ gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp thì lễ mở cửa kho lúa là lễ hội lớn nhất, được cả dân làng đồng lòng và tích cực làm công tác chuẩn bị, tiến hành tổ chức lễ hội.

leftcenterrightdel

Người Rơ Măm tái hiện lại Lễ hội mở cửa kho lúa trong Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên.

leftcenterrightdel
Già làng A Ren (ngồi bên phải) thực hiện nghi thức cúng giàng.

Theo già làng A Ren, Lễ hội mở cửa kho lúa hay Tết cơm mới của người Rơ Măm được tổ chức hằng năm, khi công việc thu hoạch lúa rẫy đã xong, tức là khoảng tháng 11-12 dương lịch. Lễ hội này thường được tổ chức trong 3 ngày, nhưng cả làng phải chuẩn bị cả tháng trước đó. “Đàn ông thì chỉnh lại chiêng, sửa lại đàn, vào rừng chọn lấy cây tre già nhất, thẳng ngọn nhất để làm cây nêu. Đàn bà, con gái thì khẩn trương dệt nốt những bộ váy áo đẹp cho mình và người thân trong gia đình để kịp mặc trong ngày hội”, già làng A Ren nói.

Sau khi các công việc chuẩn bị hoàn tất, người Rơ Măm bắt đầu làm lễ Mở cửa kho. Đầu tiên, người dân cúng mở cửa kho lúa của gia đình, sau đó đến nhà rông để tham gia lễ hội của cả làng. Lễ hội diễn ra với các nghi thức cúng Giàng (trời), thần linh và các hoạt động văn hóa đặc sắc như: Lễ hội đâm trâu, đánh cồng chiêng, múa xoang...   

leftcenterrightdel
Sau nghi thức cúng Giàng là phần hội với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc. 

Anh A Thái, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn làng Le cho biết: “Mở kho lúa không chỉ là một trong những lễ hội lớn nhất của người Rơ Măm mà còn truyền tải nhiều giá trị văn hóa. Đây là lễ hội đánh dấu sự hoàn tất một chu trình sản xuất nông nghiệp, tổ chức lễ hội là dịp để đồng bào tạ ơn trời đất, các vị thần đã giúp cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, đồng thời là dịp để bà con nghỉ ngơi, thụ hưởng thành quả lao động của mình. Lễ hội cũng thể hiện tinh thần cộng đồng rất cao, các gia đình trong làng đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau”.

Bài, ảnh: SƠN TÙNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.