Triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án Tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi "Tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn tích cực thông tin, tuyên truyền, từ đó nhiều hộ gia đình người Mông, người Dao đã tỉnh ngộ và từ bỏ hiện tượng tôn giáo lạ này để trở về với phong tục, tập quán truyền thống, khôi phục cuộc sống ổn định.

Lực lượng Công an cùng chính quyền xã Sủng Trà (Mèo Vạc, Hà Giang) tích cực tuyên truyền cho người dân. 

Lần đầu tiên sau hơn 20 năm theo tà đạo “San sư khẻ tọ”, hôm nay ông Tẩn Văn Kiên, người dân tộc Dao, thôn Nà Sang, xã Tát Ngà mới lại thắp nén hương cho ông bà, tổ tiên, cầu bình an cho gia đình. Sợi dây kết nối con cháu với tổ tiên, với tín ngưỡng truyền thống của người Dao đã bị cắt đứt từ năm 2003 khi ông Kiên nghe lời kẻ xấu tuyên truyền, dụ dỗ đi theo tà đạo “San sư khẻ tọ”. Bởi khi đó ông đã làm theo lời họ, dỡ bàn thờ cúng tổ tiên thay thế bằng biểu tượng chữ thập đỏ ở trong nhà để cầu nguyện Chúa ban cho phép lạ. Ngay cả khi người thân của ông bị ốm cũng bị họ xúi không cần đi bệnh viện chữa bệnh, chỉ cầu nguyện sẽ khỏi.

“Do thiếu hiểu biết, bị kẻ xấu dụ dỗ, tôi đã tin, theo tà đạo. Người thân ốm, tôi để ở nhà cầu nguyện, cầu nguyện mãi không khỏi, để lâu càng ốm nặng thêm. Tôi phải chở ra bệnh viện nhờ các y, bác sĩ cấp cứu, điều trị mới đỡ được. Hôm nay, gia đình chọn được ngày lành nên quyết định làm lễ lập lại bàn thờ cúng tổ tiên, cầu bình an sức khỏe cho gia đình”, ông Kiên, chia sẻ.

Công an huyện, Đồn Biên phòng Xín Cái thăm gia đình anh Sùng Súa Lử, thôn Xín Phìn Chư, (Thượng Phùng, Mèo Vạc, Hà Giang). 

Cũng từng bị dụ dỗ và theo tà đạo này từ năm 1998. Khi đó anh Sùng Súa Lử, sinh năm 1975, người dân tộc Mông, trú tại thôn Xín Phìn Chư, xã Thượng Phùng được họ tuyên truyền về ngày tận thế. Nếu không theo tà đạo này, nước sẽ nhấn chìm tất cả, anh sẽ chết. Anh Lử, cho hay: “Trước họ dọa tôi rằng nếu không tin, theo tà đạo này đến năm 2000 tất cả sẽ bị nước nhấn chìm và chết hết. Tôi đã từng phải bỏ nhà đi biệt xứ một thời gian, do đi theo tà đạo tôi bị họ hàng, hàng xóm xa lánh. Những tháng ngày đi biệt xứ, thiếu thốn về vật chất, nhớ vợ và con nhỏ... Tôi dần hiểu được lời xúi giục của kẻ xấu là không có thật. Từ lúc gia đình quay lại phong tục, tập quán, gia đình chăn nuôi bò phát triển tốt, con cái khỏe mạnh. Giờ ngày lễ, ngày tết Tôi cũng có bàn thờ để cúng tổ tiên mình”.

Năm 2013, nhờ được cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tuyên truyền, giải thích, động viên, anh Lử đã nhận ra sai lầm của mình và trở về với tín ngưỡng, tập quán truyền thống dân tộc Mông, về với bà con thôn, bản. Từ ngày quay về phong tục tập quán người Mông thì bà con trong thôn đều ủng hộ.

Anh Lý Văn Đền, thôn Nà Sang (Tát Ngà, Mèo Vạc, Hà Giang) từ bỏ tà đạo tập trung phát triển kinh tế. 

Cùng thôn với ông Kiên, từng là trưởng nhóm của tà đạo này từ năm 1997, tuy nhiên sau đó anh Lý Văn Đền đã dần hiểu ra những luận điệu sai trái của tà đạo. Năm 2013, anh Đền quyết định từ bỏ tà đạo và tập trung phát triển kinh tế; hiện tại anh Đền đã xây dựng được nhà cửa khang trang, kinh tế khá giả, con cái học hành đầy đủ, có việc làm ổn định.

“Trước tôi cũng được họ cho đi tập huấn tận Thành phố Hồ Chí Minh về để tuyên truyền, lôi kéo bà con đi theo tà đạo này, nhưng sau một thời gian tôi thấy nó không đúng với thực tế. Đến năm 2013 tôi đã quyết định quay lại lập bàn thờ cúng tổ tiên, từ khi tôi về thì cũng nhiều hộ trong thôn quay về như gia đình tôi”, anh Lý Văn Đền chia sẻ.

Trước đây ông Vừ Mí Ná là một trong những đối tượng khó tuyên truyền, vận động, là đối tượng cầm đầu của nhóm tà đạo này tại thôn Thàn Chư, xã Thượng Phùng. Mỗi lần thấy có cán bộ đến là ông Ná lại trốn đi, không chịu gặp. Trước tình hình trên, trực tiếp cán bộ, chiến sĩ công an huyện là người dân tộc Mông đã xuống nắm địa bàn, kiên trì giải thích, tuyên truyền ông Ná quay trở về sau những tháng ngày u mê về nhận thức lầm đường lạc lối. Ông Vừ Mí Ná, tâm sự: “Giờ tôi đã hiểu ra theo tà đạo này là sai, là trái pháp luật. Tôi tự nguyện bỏ tà đạo và quay lại lập bàn thờ cúng tổ tiên theo phong tục và tín ngưỡng, tập quán của người Mông”.

Người dân làm lễ cúng để quay trở lại tín ngưỡng truyền thống. 
 Treo vải đỏ, nét văn hóa truyền thống người Mông.

Huyện Mèo Vạc có hơn 17.400 hộ dân, hơn 93.000 nhân khẩu với 17 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 98%. Huyện từng là điểm nóng của hiện tượng tôn giáo “San sư khẻ tọ” từ nước ngoài xâm nhập vào khi có hơn 400 hộ bị các đối tượng lôi kéo theo tà đạo. Để ngăn chặn, đẩy lùi tà đạo, thời gian qua, cả hệ thống chính trị huyện Mèo Vạc đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ kiên trì tuyên truyền, vận động quần chúng đến nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi.

Theo Trung tá Giàng Xuân Thắng, Trưởng Công an huyện Mèo Vạc: Để người dân hiểu rõ những luận điệu sai trái của tà đạo; thời gian qua, cùng với các ngành, địa phương trong huyện, lực lượng công an huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ kiên trì tuyên truyền, vận động quần chúng đến nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi. Trong đó, thực hiện nội dung "Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, huyện triển khai thực hiện 2 đợt cao điểm về đẩy mạnh tuyên truyền, đẩy lùi tà đạo. Kết quả, 9 tháng đầu năm 2023, đã tuyên truyền, vận động thành công 125 hộ dân với 629 nhân khẩu tự nguyện từ bỏ tà đạo, quay lại tín ngưỡng truyền thống. Đặc biệt, có 3 xã gồm Xín Cái, Khâu Vai và Cán Chu Phìn đã xóa thành công tà đạo này ra khỏi địa bàn.

Đồng chí Phạm Văn Tú, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc, Hà Giang (áo trắng), thăm, hỏi động viên gia đình từ bỏ tà đạo quay lại tín ngưỡng truyền thống tại xã Tả Lủng. 

Đồng chí Hồng Mí Sinh, Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Cùng với việc tuyên truyền, vận động để các hộ theo tà đạo hiểu, chúng tôi cũng chú trọng lồng ghép các nguồn hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức cho người dân. Đối với những hộ đã quay lại phong tục tập quán, huyện và các xã rất quan tâm, đây là phong tục, nét văn hóa của người bản địa trên cùng cao. Hiện các hộ này đã hòa nhập với anh em, thôn bản để phát triển kinh tế, giữ gìn nét văn hóa tốt đẹp cho dân tộc, địa phương”.

Từ bỏ “San sư khẻ tọ”, nhiều gia đình người Mông, người Dao trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã tập trung trồng trọt, chăn nuôi. Kinh tế của gia đình họ đã phát triển hơn trước. Giờ đây cuộc sống của bà con cũng tốt hơn trước với niềm vui, hạnh phúc và bình yên khi tái hòa nhập với cộng đồng, thôn bản nơi vùng cao biên giới này. Một làn gió mới đang đến khi nhân dân đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, góp sức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bài, ảnh: HÀ LINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.