Chiềng Bôm là xã khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Thuận Châu, có 30 bản, gồm 4 dân tộc: Thái, Kháng, Mông, Khơ Mú cùng sinh sống. Bằng nhiều hình thức đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả trên địa bàn, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bộ mặt của Chiềng Bôm đang đổi thay từng ngày, đời sống của người dân dần được nâng lên rõ rệt. 

leftcenterrightdel

Một góc bản Hỏm, xã Chiềng Bôm. 

Từ trung tâm huyện Thuận Châu theo Tỉnh lộ 108 đi thêm khoảng 6km là tới xã Chiềng Bôm. So với vài năm về trước, Chiềng Bôm hôm nay sầm uất hơn nhiều. Ở khu vực trung tâm xã, những ngôi nhà xây kiên cố, nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ mọc lên san sát; các công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang.

Trong công tác phát triển kinh tế-xã hội, cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Định hướng bà con sản xuất theo mùa vụ; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý tín dụng, tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn sản xuất, với tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội tính đến hết tháng 9-2023 đạt trên 33 tỷ đồng.

Ông Lò Văn Tún, Trưởng bản Hỏm, xã Chiềng Bôm chia sẻ: Cuộc sống của dân bản đã khác xưa rất nhiều, đường bê tông liên bản, nội bản được cứng hóa, nên việc đi lại và sản xuất thuận tiện hơn trước. Bản có 10 hộ kinh doanh dịch vụ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong bản. Đồng thời, chăm sóc 15ha cà phê, 3ha cây trám, 2ha nhãn, xoài và gần 5ha lúa 2 vụ; chăn nuôi 170 con bò, phần lớn là bò sinh sản, cung cấp giống cho nhân dân trong xã và địa phương khác.

leftcenterrightdel
Người dân bản Nhộp, xã Chiềng Bôm nuôi vịt giống. 

Bên cạnh đó, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn nhân dân phòng chống dịch bệnh và tiêm vaccine định kỳ phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Từ đầu năm đến nay, xã đã tổ chức tiêm 2.400 liều vắc xin phòng tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho trâu bò; 250 liều phòng dịch tả lợn châu Phi; phun tiêu độc khử trùng chuồng trại..., qua đó góp phần duy trì ổn định đàn trâu, bò hơn 2.350 con, hơn 1.300 con lợn, 500 con dê và đàn gia cầm gần 26.000 con.

Đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, xã chỉ đạo tiếp tục triển khai trồng mới rừng theo kế hoạch. Từ đầu năm đến nay đã thực hiện trồng 39ha rừng sản xuất tại bản Ít Cang; 1.500 cây phân tán tại các bản Khem, Tịm, Lái, Pọng, Cún, Pom Khoảng, Nhộp. Ngoài ra, còn phối hợp với Ban quản lý rừng đặc dụng-phòng hộ huyện Thuận Châu bàn giao cây giống cho địa bàn vùng đệm trồng 36,8ha rừng. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong xã đã đóng góp hơn 1,2 tỷ đồng để đổ bê tông gần 9km đường liên xã, đường trục chính; hơn 1km đường ngõ, xóm...

leftcenterrightdel
Chăm sóc cây cà phê tại bản Nhộp, xã Chiềng Bôm. 

Theo báo cáo của địa phương, bà con nhân dân xã hiện chú trọng chăm sóc các loại cây cà phê; cây ăn quả theo kế hoạch và trồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi đại gia súc; thâm canh gần 150ha lúa, 50ha ngô, 240ha sắn, 20ha khoai sọ, 25ha rau đậu các loại. Ngoài ra, duy trì chăm sóc trên 200ha cây ăn quả các loại, 262ha cà phê, 3ha cây mắc ca. Nhờ triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, đến nay, thu nhập bình quân ở Chiềng Bôm đạt trên 14 triệu đồng/người/năm.

“Hằng năm, xã chỉ đạo tu sửa hệ thống thủy lợi, phục vụ tưới tiêu; chăm sóc diện tích các loại cây trồng đã gieo trồng; theo dõi diễn biến thời tiết và tình hình dịch bệnh để có biện pháp phòng trừ cho cây trồng”, đồng chí Lò Văn Toản, Phó chủ tịch UBND xã Chiềng Bôm cho biết thêm.

Những con số trên là điều kiện quan trọng để Chiềng Bôm tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, trong đó đặc biệt là dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch".

Bài và ảnh: VĂN TUẤN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.